Ngày 6/6, đại diện TAND TP Đà Nẵng cho biết Công ty cổ phần thép Dana - Ý đã nộp tạm ứng án phí cho việc khởi kiện UBND thành phố và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng. Toà đang tiến hành các thủ tục theo quy định Luật tố tụng hành chính.
Đơn kiện của doanh nghiệp này được gửi từ cuối tháng một, với nội dung cụ thể khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính gồm: Công văn 1446 ngày 2/3/2018 của Chủ tịch UBND thành phố; thông báo số 30 ngày 23/3/2018 của UBND thành phố; hành vi không giải quyết việc người dân bao vây nhà máy thép từ ngày 26/9/2018; quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 5585.
Công ty cổ phần thép Dana - Ý cho rằng các quyết định của chính quyền Đà Nẵng buộc doanh nghiệp ngừng hoạt động sản xuất đã xâm phạm quyền tự do kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động của công ty. Các quyết định, hành vi hành chính này gây thiệt hại cho doanh nghiệp nên yêu cầu bồi thường gần 400 tỷ đồng.
Sau khi có đơn khởi kiện, TAND thành phố đã hai lần tổ chức hòa giải để phía chính quyền và doanh nghiệp trao đổi, xem xét nguyện vọng. Trong thời gian này, thành phố cũng tạo điều kiện về mặt thủ tục để công ty thuê lại một diện tích đất trong khu công nghiệp để di dời xưởng sản xuất vào đây hoạt động nhằm giải quyết công việc cho người lao động, nhưng chỉ được cán chứ không luyện thép.
Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, cho biết doanh nghiệp đã xin hoãn vụ kiện vì mong muốn thành phố tìm ra giải pháp. Tuy nhiên theo quy định của toà, hết thời hạn tạm hoãn thì phải thực hiện các quy trình của một vụ kiện, trong đó có yêu cầu nộp tạm ứng án phí.
"Doanh nghiệp đưa ra số tiền bồi thường 400 tỷ, còn thành phố chưa nói đến con số này. Nếu bồi thường thì phải là khi toà tuyên", ông Hùng nói và cho rằng việc khởi kiện là quyền của doanh nghiệp.
Theo ông Hùng, khi ban hành các quyết định hành chính liên quan đến hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc, chính quyền đã lường trước việc doanh nghiệp có thể khởi kiện ra toà, từ đó chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ pháp lý cần thiết. Tuy nhiên, thành phố không muốn làm phức tạp thêm tình hình tại hai nhà máy thép nên đã có những bước thoả thuận.
Chính quyền Đà Nẵng chủ động đề nghị doanh nghiệp hợp tác trên quan điểm công ty phải chịu trách nhiệm với những việc làm sai, còn lại sẽ kiến nghị để cùng trao đổi giải quyết. Phía doanh nghiệp đã thống nhất chọn vị trí khác để di dời xưởng sản xuất, còn vị trí hai nhà máy hiện tại sẽ chuyển loại hình sản xuất cho phù hợp với môi trường.
"Mong muốn lớn nhất là có thoả thuận để tìm ra một phương án hài hoà nhất cho chính quyền, người dân và doanh nghiệp", ông Hùng nói.
Năm 2008 và 2009, UBND TP Đà Nẵng cho phép hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana Úc vào hoạt động tại Cụm công nghiệp Thanh Vinh, dù theo quyết định mở rộng Cụm công nghiệp này năm 2004 không có loại hình sản xuất thép, luyện kim. Khi hai nhà máy đi vào hoạt động, người dân xã Hoà Liên (huyện Hoà Vang) đã nhiều lần phản ứng, bao vây nhà máy vì ô nhiễm. Chính quyền Đà Nẵng đã nhiều lần phải tổ chức đối thoại nhưng vẫn chưa dứt điểm việc di dời người dân hay di dời nhà máy. Hai nhà máy nhiều lần bị chính quyền yêu cầu tạm dừng hoạt động.
Ngày 7/10/2018, Thanh tra thành phố Đà Nẵng công bố kết luận dài 26 trang, chỉ ra nhiều sai phạm tại hai nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc liên quan việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quá trình thành lập, hoạt động và xử lý về môi trường.