Từ 2/2 đến nay, độ mặn tại cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ, nơi cung cấp 80% nước sinh hoạt cho cư dân Đà Nẵng, có xu hướng tăng dần và duy trì ở mức cao. Cán bộ Sở Xây dựng cho biết, một tuần qua độ mặn thường xuyên vượt ngưỡng 1.000 mg/l.
Những năm trước, tình trạng nhiễm mặn diễn ra vào khoảng tháng 5 đến tháng 6. "Đây là năm đầu tiên nguồn nước thô của Đà Nẵng bị nhiễm mặn từ trước Tết Nguyên đán", ông Hồ Hương - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) nói.
Chuyên gia thuỷ lợi Huỳnh Vạn Thắng, nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Đà Nẵng, cũng nhận định nguồn nước thô của Đà Nẵng nhiễm mặn là hiện tượng "chưa từng có" và "đáng lo ngại khi Nam Trung Bộ mới bắt đầu vào mùa khô".
Nguyên nhân nước nhiễm mặn, theo ông Thắng là do miền Trung vừa trải qua đợt hạn hán kéo dài trong năm 2018. Nguồn nước của Đà Nẵng phụ thuộc hoàn toàn vào thượng nguồn từ Quảng Nam. Lượng mưa ở miền núi năm qua quá ít, không đủ nước ngầm chảy về hạ du. Nhiều hồ chứa thuỷ điện cũng đang thiếu nước.
"Cuối năm ngoái, Đà Nẵng xảy ra trận mưa lịch sử. Nhiều tuyến phố ngập nặng trong nhiều ngày. Nhưng đó là mưa ở đồng bằng, nước chảy ra biển, không có khả năng tích nước như mưa ở miền núi. Theo diễn tiến này, Đà Nẵng sẽ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng hơn năm trước", ông Thắng nhận định.
Do nước thô nhiễm mặn nên nước sạch sau xử lý có vị lợ. Theo lý giải của Dawaco, chất lượng nước khi cung ứng bị nhiễm lợ do phải pha loãng với nguồn nước tại sông Cầu Đỏ mới đảm vảo được công suất cấp nước, nhưng vẫn nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn chất nước ăn uống.
Để có nguồn nước thô vận hành nhà máy nước Cầu Đỏ, Dawaco đã bơm nước từ đập phòng mặn An Trạch (trạm có nhiệm vụ đảm bảo nguồn nước thô cho nhà máy nước hoạt động và xả nước hoà tan, đẩy mặn ở cửa thu Cầu Đỏ khi thuỷ triều xuống).
Đắp đập ngăn dòng, làm thêm ống cấp nước
Tháng 11/2018, nguồn nước ở Cầu Đỏ bị nhiễm mặn lên 4.000 - 5.000 mg/l. Không đủ nước cho nhà máy vận hành, người dân Đà Nẵng đã phải sống trong cảnh nhiều ngày không có nước sinh hoạt. Những hạn chế trong việc vận hành hệ thống sản xuất nước của Dawaco đã được chỉ ra sau đó.
Để đối phó với tình trạng nhiễm mặn năm nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Dawaco khai thác tối đa nguồn nước từ đập dâng An Trạch; căn cứ hiện trạng các hồ để đề nghị thuỷ điện Đăk Mi 4 và hồ chứa A Vương, Sông Bung 4 (Quảng Nam) xả nước về hạ du.
Các chủ hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia (Quảng Nam) đã đồng ý điều tiết bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho Đà Nẵng từ nay đến tháng 6/2019. UBND TP Đà Nẵng đề nghị tỉnh Quảng Nam cho đắp đập tạm ở sông Quảng Huế để nước thượng nguồn chảy về sông Yên cung cấp cho Cầu Đỏ.
Sở Xây dựng Đà Nẵng sẽ làm thêm tuyến ống qua sông Cầu Đỏ (dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2019) để tăng công suất cho nhà máy này; đồng thời hoàn thành dự án Nâng công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ (giải đoạn 1 - 60.000m3/ngày/đêm) hoàn thành trong tháng 3/2019.
Ngoài việc kêu gọi người dân sử dụng nước tiết kiệm, Đà Nẵng cũng lên phương án cấp nước bằng xe bồn, thông báo kế hoạch cấp nước luân phiên để người dân trữ nước; tái sử dụng nước thải để tưới cây, rửa đường; xây dựng kịch bản ứng phó với từng sự cố, đảm bảo mục tiêu cấp nước an toàn.
Có hiện tượng nước sạch đóng cặn đen
Nhiều ngày qua, một số người dân ở Đà Nẵng dùng khăn ướt, bông gòn bịt đầu vòi nước, sau thời gian sử dụng thì có cặn đen đọng lại. Dawaco phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế) đã lấy mẫu nước làm xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Theo kết quả xét nghiệm 5 mẫu nước tại các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và Nhà máy nước Cầu Đỏ, các chỉ tiêu kiểm tra đạt yêu cầu vệ sinh về hoá lý nước dùng cho ăn uống theo Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước ăn.
Ông Hồ Hương Tổng giám đốc Dawaco cho rằng, tình trạng này có thể do mạng lưới đường ống nước tại khu vực đó đã bị xuống cấp, hoặc do bồn chứa của gia đình chưa được vệ sinh. Phía công ty đã tăng cường súc xả ống và lập kế hoạch thay thế các đường ống xuống cấp.