Từ 31/8 đến nay, nguồn nước thô tại cửa thu Nhà máy nước Cầu Đỏ - nơi đang cung cấp hơn 80% lượng nước ngọt cho thành phố Đà Nẵng (170.000 m3/ngày) bị nhiễm mặn. Độ mặn thường xuyên dao động ở mức 260 đến 2.000 mg/l (tiêu chuẩn nước sinh hoạt Bộ Y tế quy định dưới 250mg/l).
Ông Hồ Hương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết lượng nước sạch cấp vào mạng lưới có thời điểm giảm từ 50.000m3 đến 70.000m3/ngày, dẫn đến nước cấp cho hàng nghìn hộ dân ở khu vực cuối nguồn thuộc quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu rất yếu.
"Những hộ gia đình có bể chứa thì ít bị ảnh hưởng, còn sử dụng trực tiếp từ mạng lưới nước của thành phố thì có nơi không có nước. Người dân có gọi điện phản ánh đến công ty nhưng chúng tôi cũng chỉ còn cách giải thích để khách hàng thông cảm", ông Hương nói.
Nguồn nước từ thượng nguồn chảy về Đà Nẵng (lưu vực sông Vu Gia) phụ thuộc vào ba hồ thuỷ điện A Vương, sông Bung 4, Đak Mi4 (Quảng Nam). Tuy nhiên do khô hạn kéo dài nên hiện nay thuỷ điện A Vương và sông Bung 4 đã xuống dưới mực nước chết. Có thời điểm hai thuỷ điện không phát điện, xả nước về hạ du.
Riêng hồ Đak Mi4 cao hơn mực nước chết 5 mét. Tuy nhiên, theo Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được Thủ tướng ban hành, từ ngày 1/9 các thuỷ điện sẽ vận hành theo chế độ mùa lũ. Đak Mi4 đang xả nước 3m3/s nhưng lượng nước này là không đủ đẩy mặn cho Nhà máy nước Cầu Đỏ.
"Các thuỷ điện họ làm đúng quy định, nhưng như thế thì nhà máy không có nước thô để vận hành và nhân dân Đà Nẵng sẽ thiếu nước sạch nghiêm trọng. Chúng tôi rất mong sự chia sẻ từ các thuỷ điện ở Quảng Nam để nhà máy có thể cung ứng nước cho người dân", ông Hương nói.
Để đảm báo nguồn nước thô cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và sân bay (30.000 m3 nước/ngày), Công ty cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) phải kết hợp việc lấy nước tại cửa thu Cầu Đỏ và bơm nước thô từ trạm bơm phòng mặn An Trạch. Tuy nhiên công suất của trạm bơm chỉ đáp ứng 70% công suất cấp nước hiện nay. Trong ba ngày từ 3 đến 5/9, mực nước trạm này xuống dưới mức cho phép hoạt động.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng cho biết, trong khoảng thời gian mười ngày trở lại đây kết quả quan trắc tại trạm thuỷ văn Ái Nghĩa (đo nước từ thượng nguồn về Đà Nẵng), mực nước chỉ ở 2, 52 m, thấp hơn mực nước trung bình 3, 51 m nên khả năng nhiễm mặn sẽ kéo dài.
Ngày 11/9, Sở Nông nghiệp Đà Nẵng đã đề nghị đề nghị UBND TP Đà Nẵng có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu thủy điện Đak Mi 4 phải tăng lưu lượng nước xả về hạ du sông Vu Gia qua cống xả đáy từ 3m3/s như hiện nay lên 12 m3/s.
Thêm vào đó, các thủy điện A Vương và Sông Bung 4 cũng phải thường xuyên và tăng cường việc phát điện, xả nước về hạ du nhằm đẩy mặn tại sông Cầu Đỏ để đảm bảo phục vụ cho việc cung cấp nước cho sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
"Quy trình vận hành liên hồ chứa hiện nay đã bộc lộ một số vấn đề tồn tại, không phù hợp với thực tế nên đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu điều chỉnh theo hướng điều phối nguồn nước xả hợp lý trong mùa cạn và mùa lũ", ông Hoàng Thanh Hoà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp Đà Nẵng nói.
Theo ông Hoà, thời gian áp dụng quy trình cần căn cứ vào thực tế chứ không nên cố định từ ngày 1/9 hàng năm. Về lâu dài, tỉnh Quảng Nam và Bộ Tài nguyên Môi trường cần điều chỉnh lại dòng chảy tại một số tuyến sông ở Quảng Huế và Vĩnh Điện để tăng lượng nước về sông Vu Gia, nhằm đẩy mặn cho thành phố Đà Nẵng.
Tình trạng Đà Nẵng bị nhiễm mặn vào cuối vụ hè thu đã diễn ra phổ biến từ 2010. Đến hẹn, Đà Nẵng lại phải đi "xin nước" từ thuỷ điện để đẩy mặn và có nước sạch cung cấp cho người dân. Hiện thành phố đã dừng cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.
Điều 11 Quy trình vận hành liên hồ chứa sông Vu Gia - Thu Bồn quy định: Khi không tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du, hồ Đak Mi4 phải xả nước liên tục về hạ lưu sông Vu Gia không nhỏ hơn 3m3/s. Trường hợp có yêu cầu xả lớn hơn của UBND TP Đà Nẵng thì phải xả nước về hạ lưu sông Vu Gia nhưng không vượt quá 12, 5m3/s.