Sáng 24/4, tại hội nghị trực tuyến về trật tự an toàn giao thông quý I tổ chức ở Hà Nội, trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cảnh sát giao thông, Bộ Công an nhấn mạnh, tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, vi phạm về ma tuý ngày càng tăng cao, gây mất trật tự an toàn giao thông và là nguy cơ xảy ra tai nạn.
Bộ Công an đã ban hành kế hoạch xử lý chuyên đề về rượu bia, ma túy với tài xế ôtô, xe máy, tuy nhiên theo ông Dũng, đây là những hành vi vi phạm phức tạp khó xử lý, ngoài việc xử phạt của cảnh sát thì cần có sự chung tay của toàn xã hội. "Nhiều ý kiến cho rằng muốn xử phạt triệt để tình trạng tài xế uống rượu bia cứ đến trước cửa quán bia để ngăn chặn. Tuy nhiên, việc chặn người vi phạm ở đây không hay lắm, thậm chí là rất phản cảm", ông Dũng nói.
Hiện tượng tài xế vi phạm nồng độ cồn, tấn công, hoặc chống đối cảnh sát rất phổ biến, tuy nhiên lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cho rằng quyền của cảnh sát để xử lý mạnh tay rất khó. Có trường hợp giải thích mất rất nhiều thời gian tài xế vẫn không chấp hành, trong khi đó ở nước ngoài trường hợp này có thể khóa tay, đưa về trụ sở.
Từ ngày 1/6, Cục Cảnh sát giao thông và Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) sẽ kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, vi phạm giao thông. Khi hệ thống này hoàn thiện, Cục sẽ cập nhật thông tin tài xế vi phạm lên hệ thống, từ đó Tổng cục Đường bộ sẽ xem xét cấp hoặc không cấp giấy phép lái xe cho tài xế vi phạm, trong khi đó Cảnh sát giao thông cũng sẽ nắm được giấy phép lái xe của các tài xế vi phạm được cấp ở đâu, khi nào...
Tại hội nghị, Cục Cảnh sát giao thông đề xuất Tổng cục Đường bộ Việt Nam chia sẻ kết nối camera giám sát hành trình đặt trên ôtô để khi có vấn đề về vi phạm trật tự, an toàn giao thông, cảnh sát giao thông có thể kiểm tra, lấy dữ liệu kịp thời xử lý vi phạm.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, trong quý I/2019, các đơn vị đã kiểm tra, xử lý 901.370 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 590 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 77.900 trường hợp, tạm giữ 142.100 phương tiện.
Trước đó năm 2018, Cục CSGT mở ba đợt cao điểm xử lý vi phạm về nồng độ cồn, với yêu cầu trước khi tập trung xử lý, lực lượng chức năng cần khảo sát địa bàn có nhiều quán ăn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí..., nắm quy luật về thời gian, tuyến đường có nhiều lái xe sử dụng bia, rượu.
Theo ghi nhận trên địa bàn Hà nội, một số tổ công tác CSGT xử lý vi phạm về nồng độ cồn đã lập chốt ở các tuyến đường cách quán bia khoảng vài trăm mét, cho đến hơn một km.
Trong quý I, CSGT trên toàn quốc xử lý 38.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; trong đó có 814 tài xế ôtô.