Trưa 1/7, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành và tỉnh Hà Tĩnh đã đến kiểm tra hiện trường vụ cháy rừng ở xã Trường Sơn (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh).
Quan sát điểm cháy này, ông Huệ chỉ đạo các lực lượng tiếp tục dập lửa dứt điểm, không để lửa cháy âm ỉ, bùng phát lại trong hôm nay; đề phòng lửa lan sang khu vực có đường dây 500 kV cách đó khoảng 500 m.
Tại hiện trường, trả lời câu hỏi của báo chí về việc sử dụng trực thăng chữa cháy rừng, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đã nhận được ý kiến này, nhưng thấy chữa cháy bằng trực thăng cần sử dụng liên tiếp từ 3-5 chiếc dội nước liên tục để chữa cháy cho một điểm. Trong khi đó, tình trạng cháy rừng phủ rộng trên nhiều huyện của nhiều tỉnh (không riêng Hà Tĩnh có cháy rừng), việc huy động trực thăng là khó khăn.
Hơn nữa, những ngày qua, trên địa bàn Hà Tĩnh gió phơn Tây Nam (gió sau khi vượt qua núi trở nên khô và nóng) thổi mạnh, ảnh hưởng tới khả năng tháo nước trúng điểm cháy, đặc biệt là ảnh hưởng tới an toàn bay. Vì vậy Chính phủ chưa điều động trực thăng của Binh đoàn 18, Tổng công ty bay Bộ Quốc Phòng.
"Với tình hình cháy diện rộng như vậy thì huy động lực lượng tại chỗ và dập lửa bằng các thiết bị máy thổi, cưa xăng là hiệu quả hơn cả", Phó thủ tướng nói và nhấn mạnh, trong tháng 7 này thời tiết tiếp tục nắng nóng gay gắt, các tỉnh không được chủ quan, tính toán nhu cầu sử dụng thiết bị chữa cháy để báo cáo Chính phủ duyệt chi đột xuất.
Ngoài ra, ông cũng chỉ đạo Hà Tĩnh tăng cường tuyên truyền, quán triệt với nhân dân việc không được đốt rơm rạ trong nắng nóng. "Trên đường đi thị sát vào xã Trường Sơn, tôi vẫn thấy người dân đốt rạ trên đồng ruộng, dễ gây hoả hoạn với rừng và khu dân cư", ông nói.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, vào 5h30 sáng nay, tất cả các điểm cháy rừng ở 7 huyện của Hà Tĩnh đã tắt lửa sau nỗ lực của hơn 15.000 cán bộ, chiến sĩ, kiểm lâm viên và dân quân tự vệ.
Tuy nhiên, lửa vẫn âm ỉ ở dưới gốc rừng và lại bùng lên vào giữa sáng nay (1/7) ở các huyện Đức Thọ, Kỳ Anh và Cẩm Xuyên vì gió phơn thổi mạnh. Tới 12h30 trưa nay, các điểm cháy rừng bùng phát đã được dập ở Kỳ Anh và Cẩm Xuyên.
"Riêng xã Trường Sơn (huyện Đức Thọ) là điểm cháy cuối cùng của Hà Tĩnh tới đầu giờ chiều nay, đang được gần 400 người bao gồm lực lượng quân đội, công an, kiểm lâm, dân quân tự vệ dập lửa", ông Sơn nói.
Lãnh đạo Hà Tĩnh cho hay, điểm cháy ở xã Trường Sơn nằm trên triền núi cao, không thể dùng máy bơm và vận chuyển nước lên được, nên phương thức dập lửa vẫn là dùng cành cây và máy thổi để khoanh vùng cháy.
Dẫn thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương, ông Sơn nói áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa to ở miền Trung từ ngày mai nên có thể chấm dứt hoàn toàn cháy rừng. Tuy nhiên, Hà Tĩnh và một số tỉnh ven biển miền Trung khác sẽ phải tiếp tục đối mặt với tình hình biển động và lũ quét, lũ ống ngay sau khi huy động lực lượng dập cháy rừng.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cũng cho rằng khi trời mưa to vào ngày 2/7, tình trạng cháy rừng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ chấm dứt, nhưng địa phương phải tính toán ngay việc phục hồi rừng bị cháy và coi đây là một nhiệm vụ cấp bách.
Tối 30/6, một đám cháy rừng đã bùng phát ở núi Mồng Gà và Hói Lã (thuộc xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ). Công an huyện Đức Thọ đã cử cán bộ tới giúp 100 hộ dân sống dưới chân núi Mồng Gà sơ tán đồ đạc, đề phòng lửa bén tới. Lực lượng chữa cháy đã túc trực suốt đêm lập đường băng cản lửa. Do trời tối, thực bì dày, đồi dốc khiến việc chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Đến 5h30 ngày 1/7, hỏa hoạn được khống chế, khoảng 9h sáng bùng phát trở lại.
Từ ngày 4/6 đến nay, miền Trung liên tục nắng nóng, tâm điểm là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình..., nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 36 đến 39 độ, có nơi trên 40 độ. Tại Hà Tĩnh xảy ra nhiều vụ cháy rừng, đáng kể nhất là vụ cháy kéo dài 3 ngày trên núi Hồng Lĩnh khiến thiệt hại hơn 30 ha rừng thông, keo, bạch đàn.
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Cục cảnh sát PCCC - Cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an) cho hay, với đám cháy rừng diện rộng và kéo dài ở Hà Tĩnh, phương pháp truyền thống như dẫn nước, lập tường ngăn lửa lan (dùng máy thổi sạch, dọn sạch lá cây, lớp thực vật, chất dẫn cháy ở trong rừng) được coi là tối ưu. "Các phương pháp chữa cháy hiện đại như sử dụng trực thăng dập lửa khó có hiệu quả, vì máy bay chỉ có thể mang theo vài khối nước hoặc bột và chỉ khống chế được khu vực nhỏ", vị này nói.
Đức Hùng - Bá Đô