Khảo sát công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang) chiều 27/8, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, trong tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng của dự án này có 2.186 tỷ đồng từ ngân sách. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định số vốn trên trong tháng 9.
"Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình quyết thì Chính phủ lập tức có văn bản giao vốn cho Tiền Giang ngay. Các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư không phải lo lắng việc này", ông Huệ nói.
Ngoài vốn ngân sách, hiện các nhà đầu tư đã huy động trên 2.700 tỷ đồng và có thể thu xếp lên được 3.400 tỷ đồng; hơn 7.000 tỷ đồng còn lại là vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại.
Trước mắt, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục ứng vốn (khoảng 400 tỷ đồng) đủ mức 3.400 tỷ đồng vốn góp vào dự án trong tháng 9; đồng thời đàm phán với các ngân hàng hợp đồng tín dụng để khi Thủ tướng và tỉnh Tiền Giang giao vốn thì các bên sẽ ký hợp đồng tín dụng và đẩy mạnh triển khai dự án ngay.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Quốc Hùng nói, "ngành ngân hàng sẽ bảo đảm đủ vốn, không ngân hàng này thì sẽ có ngân hàng khác cho vay trên cơ sở bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật".
Về phía địa phương, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND Tiền Giang cho biết, tỉnh đã chi tiền đền bù giải tỏa cho 3.286 hộ dân (trong tổng số 3.292 hộ) bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; bàn giao cho doanh nghiệp dự án được 50 km trong tổng số 51 km mặt bằng, đạt 99%.
Theo ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đến nay nhà đầu tư đã đưa vào dự án 2.500 tỷ đồng và ứng trước chi phí giải phóng mặt bằng cho tỉnh Tiền Giang. Dự án đã hoàn thành 25% khối lượng, 3 tháng qua tăng hơn 10% so với khối lượng thực hiện trong 10 năm trước đây.
Tuy nhiên, ông Hồng phản ánh dự án vẫn khó khăn về nguồn vốn; nếu trong tháng tới, vốn không được giải ngân thì khả năng nhà đầu tư sẽ đề nghị tỉnh Tiền Giang báo cáo Chính phủ việc "không thể hoàn thành mục tiêu thông tuyến vào năm 2020".
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A. Cao tốc là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sau 10 năm liên tục đình trệ, gần đây lãnh đạo Chính phủ yêu cầu cao tốc này phải thông tuyến vào cuối năm 2020.