Chiều 30/5, cặp rắn hổ mây khủng đang nuôi nhốt tại đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) được bàn giao cho các cơ quan chức năng để thả về môi trường tự nhiên. Các chuyên gia đến từ trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) đã vào chuồng dùng vợt lưới bắt chúng đưa vào sọt.
Rất đông người dân và du khách đến xem, quay phim, chụp ảnh. Một nhân viên chăm sóc cho biết, hai con rắn đã lột da, nhiều ngày không ăn nên trông ốm hơn lúc mới đem về nhưng còn rất khỏe.
Theo các chuyên gia, cặp rắn sẽ được gắn chip, vận chuyển đến Đồng Nai thả về Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa. Chip có thời gian sử dụng 20 năm, sẽ định vị vị trí cũng như theo dõi được tình hình sức khỏe của chúng.
Ông Lữ Cẩm Khường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cho biết, việc thả cặp rắn sẽ được báo cáo cho Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã.
Trước đó, hai con rắn được dự định thả về lại núi Cấm (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) song các chuyên gia khảo sát và xác định có nhiều bất lợi như môi trường tự nhiên không đảm bảo, khu vực này có nhiều người dân và khách du lịch. "Nếu thả lại ở đó sẽ không đảm bảo an toàn cho cả rắn và con người", ông Khường nói.
Nửa tháng trước, quản lý dự án điện mặt trời ở An Giang thông tin, trong lúc san ủi mặt bằng rậm rạp dưới chân núi Cấm, các công nhân đã phát hiện cặp rắn khủng, nên dùng lưới vây bắt. Mỗi con rắn 30 kg, dài 6-7 m. Chúng được đưa về nuôi tại khu du lịch ở đồi Tức Dụp.
Ngành chức năng tỉnh An Giang sau đó kiểm tra và xác định đây là hai con rắn hổ mây, nhưng mỗi con chỉ khoảng 18 kg.
Rắn hổ mây hay rắn hổ mang chúa (tên khoa học Ophiophagus hannah) là loài rắn thuộc họ Elapidae (họ Rắn hổ) phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới trải dài từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới, với chiều dài tối đa ghi nhận được trong tự nhiên là khoảng 7 m.
Cửu Long