Ngày 20/5, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND An Giang cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa giao cho UBND tỉnh chọn nơi thả cặp rắn hổ mây do doanh nghiệp đang nuôi giữ tại đồi Tức Dụp, huyện Tri Tôn.
"Quan điểm của Bộ nông nghiệp cũng như UBND tỉnh là ưu tiên thả cặp rắn trở lại núi Cấm nhưng phải thật xa khu dân cư, không có khách du lịch lui tới và còn nhiều hang động hoang sơ thích hợp cho chúng sinh sống", ông Thư nói.
Theo ông Thư, tỉnh đã liên hệ với các chuyên gia thuộc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã đến khảo sát, chọn khu vực thích hợp nhất trên đỉnh núi Cấm để thả cặp rắn. Nhưng trước khi thả, cặp rắn sẽ được chăm sóc sức khỏe để đảm bảo sống được khi về môi trường tự nhiên.
Trong thời gian chờ khảo sát, các chuyên gia cũng sẽ tư vấn cho An Giang về địa điểm tạm lưu giữ cặp rắn hổ mây một cách an toàn nhất.
Trước đó, quản lý dự án điện mặt trời ở An Giang thông tin, hai tháng trước, trong lúc san ủi mặt bằng mặt bằng rậm rạp dưới chân núi Cấm, các công nhân đã phát hiện cặp rắn hổ mây khủng, nên dùng bao bố và lưới vây bắt. Mỗi con rắn 30 kg, dài 6-7 m. Chúng được đưa về nuôi tại khu du lịch ở đồi Tức Dụp.
Ngành chức năng tỉnh An Giang đã kiểm tra và xác định đây là hai con rắn hổ mang chúa (hổ mây), nhưng mỗi con chỉ khoảng 18 kg, dài 4 m.
Rắn hổ mây hay rắn hổ mang chúa (tên khoa học Ophiophagus hannah) là loài rắn thuộc họ Elapidae (họ Rắn hổ) phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới trải dài từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới, với chiều dài tối đa ghi nhận được trong tự nhiên là khoảng 7 m.
Ở Việt Nam, chúng thuộc nhóm 1B, gồm những động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Núi Cấm còn được gọi là núi Ông Cấm hay Thiên Cấm sơn, là một trong 7 ngọn núi ở An Giang. Núi Cấm cao 705 m, cao nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Người dân địa phương cho biết, vùng núi Cấm ngày xưa cây cối tốt tươi, có rất nhiều hươu, nai, hổ, báo..., đặc biệt là rắn hổ mang chúa.
Cửu Long