Người dân các tỉnh ùn ùn trở lại TP HCM chiều 10/2, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết, trong đó lượng ôtô chạy trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây khá đông. Trong vòng hai tiếng, 4 sự cố liên tiếp xảy ra khiến các xe ùn tắc khoảng 6 km trên cao tốc.
Gần 15h, đám lau sậy trong hành lang an toàn tại Km 14 hướng từ Đồng Nai về TP HCM bất ngờ bốc cháy (chưa rõ nguyên nhân). Khói mù mịt khiến các xe di chuyển chậm. Gần một tiếng sau, đám cháy mới được dập tắt. Ngay sau đó, trên dốc cầu Long Thành xảy ra tai nạn giữa hai ôtô, một chiếc bị hư hỏng nặng phần đầu.
Đến hơn 17h, một xe khác cũng bị chết máy tại khu vực này. Khoảng 15 phút sau lại xảy ra vụ va chạm khác, tài xế hai xe xô xát giữa đường gây cản trở giao thông.
Trung tâm điều hành cao tốc đã thông báo trên đài, các bảng thông báo VMS trên tuyến và ngoài vòng xoay Quốc lộ 51, đồng thời cho đóng nhánh A tại Quốc lộ 51 (hướng từ Phan Thiết, Vũng Tàu, Biên Hòa lên cao tốc về TP HCM) để thực hiện công tác cứu hộ.
Tuy nhiên, do tình trạng ùn tắc quá lâu, nhiều ôtô khi đến cabin trạm thu phí bày tỏ bức xúc, yêu cầu nhân viên xả trạm. Trong đó, tài xế hai ôtô biển số TP HCM được cho là không trả thẻ và tiền phí, lớn tiếng la lối khi đơn vị quản lý cao tốc từ chối xả trạm.
"Khi được mời vào văn phòng làm việc, những người này còn có hành vi hủy hoại tài sản, đánh đuổi nhân viên trạm thu phí", bà Nguyễn Thị Hoài Phương (Phó giám đốc Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam - VEC E, quản lý tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) nói. Sự việc được Công an huyện Long Thành (Đồng Nai) lập biên bản, trích xuất các hình ảnh từ camera để làm cơ sở xử lý.
Về lý do không xả trạm bà Phương cho rằng, khi cao tốc bị kẹt xe kéo dài, đơn vị đã thực hiện theo yêu cầu của Tổng cục đường bộ trước đó là "tổ chức giao thông linh hoạt tại khu vực trạm và trên tuyến". VEC E đã mở tối đa các làn thu phí (13/14 làn) theo hướng từ Long Thành về TP HCM, đóng nhánh A Quốc lộ 51, giảm bớt áp lực lưu lượng trên tuyến. "Thực tế chiều qua công tác thu phí diễn ra ổn định, các xe ùn ứ tại khu vực khác chứ không phải tại trạm", bà Phương lý giải.
Với tư cách là đơn vị quản lý, ngày 11/2, Tổng công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) ra thông báo "từ chối phục vụ vĩnh viễn" hai ôtô này trên 4 tuyến cao tốc đang quản lý, khai thác là: TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai; Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Động thái được đưa ra căn cứ theo Quyết định 13/2019 về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường do VEC quản lý.
Liên quan việc VEC E tuyên bố từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ôtô trên cao tốc, luật sư Thái Văn Chung (TP HCM) cho rằng, đường giao thông thuộc hạng mục công trình công cộng nên mọi cá nhân, tổ chức đều được quyền tham gia giao thông. Chủ đầu tư đường cao tốc không có quyền đơn phương tước đi quyền này, nhưng có quyền yêu cầu họ bảo đảm thực hiện đúng các quy định hiện hành về an toàn giao thông.
"Nếu cá nhân, tổ chức có hành vi phạm luật giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại cho chủ đầu tư thì phải bồi thường theo quy định", ông Chung nói.
Còn luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM) khẳng định quyết định của VEC E là không có căn cứ, không phù hợp với pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền con người và quyền công dân của chủ các phương tiện. Nếu không có quy định cụ thể của pháp luật, không ai có quyền tước đoạt hoặc hạn chế quyền công dân, quyền con người của người dân.
Căn cứ vào Luật an toàn giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành, không có bất cứ quy định nào cho thấy chủ đầu tư đường cao tốc được quyền từ chối phục vụ xe vi phạm. Mặt khác, trong trường hợp chủ các phương tiện này nếu có hành vi gây rối trật tự giao thông như phản ánh của chủ đầu tư thì chủ thể vi phạm và chịu trách nhiệm trước pháp luật phải chủ xe, hay người điều khiển xe chứ không phải bản thân phương tiện giao thông.
Và việc xử lý đối với hành vi vi phạm sẽ căn cứ theo quy định của pháp luật, về thẩm quyền xử lý, mức xử phạt, hình thức xử phạt, căn cứ theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Phương tiện giao thông đường bộ là ôtô, không bị cấm lưu hành trừ khi phương tiện này không đạt kết quả kiểm định (đăng kiểm).
Nghị định 46 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hiệu lực từ 1/8/2016 đưa ra nhiều mức phạt với đơn vị tổ chức thu phí đường bộ.
Theo đó, hình thức phạt tiền 8-10 triệu đồng được áp dụng với đơn vị thu phí đường bộ nếu vi phạm một trong các lỗi sau: để số ôtô xếp hàng từ 100 đến 150 xe hoặc chiều dài dòng xe xếp hàng 750-1.000 m; thời gian qua trạm thu phí của một ôtô bất kỳ từ lúc dừng chờ đến lúc ra khỏi trạm lớn hơn 10-20 phút.
Mức phạt 10-20 triệu đồng được áp dụng nếu số ôtô xếp hàng từ 150 đến 200 xe hoặc chiều dài dòng xe 1-2 km; thời gian qua trạm lớn hơn 20-30 phút.
Mức phạt 30-40 triệu đồng được áp dụng nếu số ôtô xếp hàng chờ hơn 200 xe hoặc chiều dài dòng xe hơn 2 km; thời gian qua trạm lớn hơn 30 phút.
Ngoài ra, nếu không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về việc khắc phục ùn tắc giao thông thì đơn vị thu phí sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng.
Hữu Công