Hôm nay là ngày thứ 14 trạm thu phí BOT Hòa Lạc không thể hoạt động vì người dân hai xã Yên Quang và Phúc Tiến (Kỳ Sơn, Hòa Bình) dùng ôtô chắn ngang 4 làn thu phí.
Khác với những ngày đầu, người dân không còn tập trung tại trạm BOT thay vào đó là ba ôtô không người lái đỗ chắn ngang. Các xe đi qua trạm bằng làn đường dành cho xe thô sơ và không mất phí. Ban quản lý trạm cũng chỉ cắt cử một nhân viên túc trực để trông giữ tài sản.
Một số người dân cho biết việc chặn xe phản đối chỉ dừng lại khi yêu cầu miễn hoàn toàn phí cho xe chính chủ và không chính chủ của người dân sinh sống trong bán kính 5 km quanh trạm được đáp ứng.
Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT quốc lộ 6 Hòa Lạc - Hòa Bình (doanh nghiệp đầu tư dự án), cho biết việc không thể thu phí 14 ngày liên tiếp khiến công ty thiệt hại khoảng 3,5 tỷ đồng.
"Chúng tôi đang chờ kết luận của Thủ tướng và các ban ngành, nếu cơ quan chức năng có yêu cầu giảm giá vé phía công ty sẵn sàng chấp hành", ông Bát nói thêm.
Cuối tháng 4, Bộ Giao thông Vận tải cho phép doanh nghiệp đầu tư dự án tổ chức thu tiền dịch vụ đường bộ tại trạm thu phí Km17+100, đường Hòa Lạc - Hòa Bình từ 0h ngày 3/5 để hoàn vốn đầu tư cho dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình. Mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt xe và cao nhất là 180.000 đồng/lượt xe.
Tuy nhiên, sau đó người dân tập trung phản đối. Ngày 18/6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương xem xét đề xuất của tỉnh Hòa Bình đối với tuyến BOT Hòa Lạc đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Dự án đầu tư xây dựng dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT dài 56 km, gồm hai hợp phần: tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình được xây dựng mới dài 25 km và hợp phần cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình dài 30 km. Đường Hòa Lạc - Hòa Bình được thiết kế theo tiêu chuẩn tiền cao tốc, nền đường 12 m, mặt đường 11 m.