Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải ngày 1/10, đến nay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (dự án) đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng hơn 13 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao, 16 khu đơn thể Depot và cảnh quan cây xanh.
Dự án cũng đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu và đã chạy thử đơn động các hệ thống, đoàn tàu cùng 5 chuyên ngành phục vụ chạy tàu trực tiếp.
Tuy nhiên, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, bàn giao vào khai thác thương mại do còn một số tồn tại. Đầu tiên là dự án chưa hoàn thành công tác chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan, khắc phục tồn tại kiến trúc các nhà ga, khu Depot, hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu.
Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, với các thiết bị đã lắp đặt, Tổng thầu chưa cung cấp chứng chỉ, hồ sơ... để có cơ sở đánh giá đảm bảo an toàn hệ thống; chưa thực hiện các thử nghiệm và các bước đánh giá an toàn phục vụ nghiệm thu các hạng mục thiết bị.
Dự án chưa hoàn thành đề cương vận hành thử toàn hệ thống để cho tất cả các đoàn tàu chạy thử (thông tin tín hiệu, hệ thống bán vé...) để đồng bộ hóa làm cơ sở kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành.
Nhóm tồn tại, vướng mắc thứ tư của dự án là chưa bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng nên Tư vấn độc lập (Công ty ACT của Pháp) đánh giá an toàn hệ thống không có đủ cơ sở và bằng chứng xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống và chưa đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định.
"Bộ đang yêu cầu Tổng thầu lập kế hoạch chi tiết cụ thể đối với từng hạng mục còn lại", lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết.
Trong cuộc làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng sáng 1/10, ông Đường Hồng (đại diện Tổng thầu) nói, quá trình thi công dự án đơn vị này "luôn chú trọng công tác an toàn, chất lượng".
Theo ông Đường Hồng, về mặt công trình, dự án đã hoàn thành 100%; công tác đào tạo nhân lực cũng đạt 100%, đủ điều kiện để đưa vào vận hành thử. "Còn 1% chưa hoàn thành thuộc vấn đề hồ sơ nghiệm thu, thanh toán và một số việc chưa thống nhất. Vì vậy, trong thời gian tới, Tổng thầu sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án để sớm hoàn thiện", đại diện Tổng thầu nói.
Trước đề nghị của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng "phải đưa ra lời hứa về thời gian hoàn thành dự án", ông Hồng nói Tổng thầu "cam kết về mức độ an toàn của dự án"; còn về tiến độ và thời gian đưa vào sử dụng, đơn vị này đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để có kết luận từ phía tư vấn đánh giá an toàn hệ thống.
"Chúng tôi cũng mong muốn dự án sớm đưa vào sử dụng càng nhanh càng tốt, bởi càng chậm trễ càng ảnh hưởng tới hình ảnh của tổng thầu", ông Đường Hồng nói.
Lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu các bên "phải ngồi lại" để đưa dự án vào khai thác thương mại trong năm 2019, với yêu cầu đảm bảo an toàn theo đúng quy định.
Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD). Quá trình thực hiện, dự án được điều chỉnh lên 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD). Nguồn vốn sử dụng từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị hơn 669 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam hơn 198 triệu USD.
Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói, trong đó Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.