Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra nhiều sai phạm của UBND TP HCM, Ban quản lý Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trong giai đoạn từ 2007 đến tháng 6/2016. Trước đó, "siêu dự án" này cũng xảy ra nhiều lùm xùm chưa được giải quyết.
Đội vốn gần 30.000 tỷ đồng
Metro Số 1 dài khoảng 20 km, được thành phố phê duyệt năm 2007 với tổng mức đầu tư gần 17.400 tỷ đồng (hơn 126.500 triệu yen Nhật). Thời điểm này, dự án được xác định thuộc nhóm A - không phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Đến năm 2009, tư vấn chung của dự án đã tính toán và xác định lại, tổng mức đầu tư là hơn 47.300 tỷ đồng (hơn 235.500 triệu yen Nhật).
Nguyên nhân đội vốn được thành phố cho là: tăng khối lượng xây dựng nhằm đem lại hiệu quả đầu tư (đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga...); nguyên liệu tăng giá, tăng lương tối thiểu 2006-2009; trượt giá giữa yen Nhật - Việt Nam đồng và tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá theo quy định mới.
Việt Nam lúc này cũng chưa có kinh nghiệm thẩm tra lựa chọn Tư vấn thẩm tra nên thành phố đề nghị Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tuyển chọn tư vấn độc lập để làm. JICA chọn hai đơn vị của Singapore, trong đó có công ty quản lý hầu hết hệ thống metro của nước này.
Sau khi lấy ý kiến các bộ ngành, thủ tướng cho phép UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh dự án vào tháng 8/2011, tổng mức đầu tư mới là hơn 47.300 tỷ đồng. Nhưng lúc này chính sách đã thay đổi, dự án thuộc diện phải trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Hiện, tổng mức đầu tư dự án vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận.
TP HCM phải tạm ứng tiền 4 lần, Nhật Bản 'dọa' ngừng dự án
Để vận hành đúng kế hoạch năm 2020, trong giai đoạn 2016-2020 dự án cần khoảng 28.000 tỷ đồng. Tuy nhiên hồi tháng 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định chỉ bố trí kế hoạch vốn ODA nguồn ngân sách trung ương cho dự án là 7.500 tỷ đồng - dự án thiếu đến 20.500 tỷ.
Vướng mắc trong việc phê duyệt tổng mức đầu tư và do trung ương không cấp vốn, Metro Số 1 liên tục rơi vào tình trạng "giật gấu vá vai". UBND TP HCM đã 4 lần tạm ứng tiền (tổng cộng 3.300 tỷ) để BQL thanh toán cho các nhà thầu, chi trả cho nhân viên.
Bị nợ tiền kéo dài, hồi tháng 11, ông Umeda Kunio (Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam) đã gửi văn bản bày tỏ quan ngại với Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo giải quyết các vướng mắc phát sinh của dự án và tác động đến các cơ quan cấp trên để dự án được phê duyệt về vốn.
Nhắc lại việc TP HCM từng cam kết sẽ tạm ứng ngân sách để thanh toán, ông Umeda Kunio đề nghị sớm thực hiện cho các nhà thầu. Hiện, số tiền chậm thanh toán cho đơn vị thi công, tư vấn đã hơn 100 triệu USD. "Áp lực lên các nhà thầu cũng đến mức giới hạn, nếu đến cuối tháng 12 các vấn đề này không được giải quyết thì tôi rất lấy làm tiếc về việc dự án buộc phải ngừng thi công", ông Umeda Kunio viết.
TP HCM làm trái thẩm quyền, kiến nghị xử lý gần 2.900 tỷ đồng
Trong kết luận vừa công bố, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc UBND TP HCM phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư Metro Số 1 (theo quyết định 4480 năm 2011) là chưa đúng giá trị, chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền. Bởi, theo Nghị quyết 49 năm 2010 của Quốc hội, dự án có tổng mức đầu tư trên 35.000 tỷ đồng là dự án quan trọng quốc gia, phải trình Quốc hội xem xét; còn theo Luật Xây dựng năm 2003, thẩm quyền quyết định đầu tư là của Thủ tướng.
TP HCM phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án từ năm 2017 sang năm 2019 cũng không tuân thủ trình tự. Với dự án quan trọng quốc gia, khi kéo dài thời gian thực hiện từ một năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị xử lý tài chính hơn 2.898 tỷ đồng; trong đó thu hồi nộp ngân sách 18,25 tỷ, nộp thuế giá trị gia tăng hơn 53 tỷ, giảm trừ thanh toán cho các nhà thầu 96 tỷ... Đối với 2.864 tỷ đồng còn lại, BQL phải xử lý theo kết quả kiểm toán và phải đàm phán, thương thảo với các nhà thầu để giảm giá hợp đồng các gói thầu CP1b, CP2... tránh thất thoát vốn đầu tư.
Việc BQL điều chỉnh thiết kế tường vây hầm metro (gói thầu CP1a) từ 2 m xuống 1,5 m là không đúng quy trình. Tuy nhiên, các đơn vị tư vấn của Việt Nam và cả Nhật Bản đã xác nhận công trình vẫn bảo đảm an toàn, giúp thành phố tiết kiệm 93 tỷ đồng (khoảng 4 triệu USD).
Khủng hoảng nhân sự BQL
Ông Hoàng Như Cương (Phó giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy BQL) đã đi Mỹ từ đầu tháng 12, khi chưa được UBND thành phố chấp thuận. Hiện, các cơ quan chức năng đang xác minh, tìm hướng xử lý. Thành phố phân công bà Vũ Minh Huyền (Phó bí thư Đảng ủy, Phó BQL) phụ trách Đảng ủy thay ông Cương.
Trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước, ông Cương bị xác định sai phạm, làm trái thẩm quyền khi ký quyết định 178/2014 phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư (tăng 16,7 triệu yen, khoảng 7.000 tỷ đồng) dự án quan trọng của quốc gia.
Ngoài ra, tính đến tháng 11 đã có 50 nhân sự của BQL xin nghỉ việc. Trong đó, ông Lê Nguyễn Minh Quang (Trưởng BQL) đã hai lần nộp đơn, ông Dương Hữu Hòa (Giám đốc Dự án kiêm Chủ tịch Công đoàn) nêu lý do "sức khỏe không đảm bảo công việc" nhưng đều chưa được chấp thuận.
Hay ông Phan Nhật Linh (Trưởng phòng kế hoạch - hợp đồng) lần thứ hai nộp đơn, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động kể từ 31/12.
Giấc mơ Metro của người Sài Gòn dang dở
Mong muốn xây dựng mạng lưới metro chạy khắp TP HCM đã được nhen nhóm từ cuối những năm 90. Từ năm 2001 đến 2007, thành phố liên tiếp bàn bạc về hướng tuyến, cách thức xây dựng.
Đến tháng 2/2008, hạng mục depot rộng 24 ha tại phường Long Bình (quận 9) của tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên được khởi công nhưng bị vướng mặt bằng. Sau 4 năm lỗi hẹn, sáng 28/8/2012, phần quan trọng nhất của tuyến metro này chính thức được khởi công.
Tuyến Metro Số 1 đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó, khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).
Lãnh đạo BQL lúc đó là ông Nguyễn Đô Lương đánh giá metro sẽ là mạch máu giao thông của một đô thị hiện đại, góp phần phát triển kinh tế xã hội của TP HCM. Còn Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki cho dự án là "bước ngoặt thay đổi phương tiện giao thông của người dân".
Công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2017, đưa vào sử dụng năm 2018, sau đó gia hạn thêm hai năm. Nhưng đến nay tuyến Metro Số 1 chỉ làm được khoảng 56% khối lượng công việc, người Sài Gòn không thể trải nghiệm metro vào năm 2020.
Hữu Công