Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả Covid-19 (hướng dẫn). Địa phương thích ứng an toàn dịch bệnh khi đáp ứng 3 tiêu chí: Ít nhất 80% dân số trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine Covid-19; tất cả trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và có kế hoạch lập trạm y tế lưu động cũng như Tổ chăm sóc người nhiễm; các tỉnh, thành có kế hoạch lập cơ sở điều trị Covid-19 theo mô hình tháp ba tầng, đảm bảo tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu trên tổng ca bệnh dự báo cao nhất.
Bốn cấp độ nguy cơ dịch bệnh và các biện pháp ứng phó tương ứng, gồm: Cấp 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), màu xanh; cấp 2 (nguy cơ trung bình), màu vàng; cấp 3 (nguy cơ cao), màu cam; cấp 4 (nguy cơ rất cao), màu đỏ. Chỉ số đánh giá nguy cơ dịch bệnh dựa trên một số tiêu chí như: Số ca nhiễm mỗi tuần trên 100.000 dân; tỷ lệ người trưởng thành (từ 18 tuổi) được tiêm vaccine.
Chiều 28/9, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho biết điểm quan trọng nhất của dự thảo hướng dẫn là chấp nhận có ca nhiễm cộng đồng. Giai đoạn chống dịch vừa qua, ở mức bình thường là phải không có ca nhiễm tại cộng đồng (zero Covid-19). Tuy nhiên, cách tiếp cận mới là "chấp nhận số ca mắc nhất định trong cộng đồng và tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, sinh hoạt của người dân".
Hướng dẫn chỉ đánh giá cấp độ dịch ở quy mô xã (phường) hoặc nhỏ hơn như thôn, xóm, tổ dân phố. Các địa phương không đánh giá nguy cơ dịch theo cấp huyện, tỉnh để giảm thiểu phạm vi tác động, tạo điều kiện tối đa cho phát triển kinh tế, xã hội và sinh hoạt của người dân. Các biện pháp phòng chống dịch cũng được điều chỉnh linh hoạt theo từng cấp độ và theo nhóm dân số đã tiêm vaccine (hoặc mắc và khỏi bệnh), người có xét nghiệm âm tính.
Giải thích về chủ trương trên, bà Hương nói để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay, các biện pháp phòng chống cần điều chỉnh linh hoạt với thực tiễn, cùng với tăng dần độ bao phủ vaccine. Các ca nhiễm cộng đồng mới vẫn cần được phát hiện sớm, khoanh vùng hẹp nhất có thể, cách ly, theo dõi sức khỏe, điều trị kịp thời. F1 vẫn cần có biện pháp cách ly phù hợp để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm. Người dân tuân thủ nguyên tắc 5K.
"Nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp này sẽ dẫn đến việc mở cửa không kiểm soát, gây ra hệ luỵ rất lớn tới sức khỏe và tính mạng người dân, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong. Mở cửa không kiểm soát còn dẫn đến kịch bản xấu như một số nước là mở ra rồi phải đóng lại ngay mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng cao", bà Hương phân tích.
Vì vậy, hướng dẫn tạo điều kiện để địa phương tự tính toán, quyết định cấp độ dịch, thực hiện biện pháp chống song song với khôi phục, phát triển kinh tế. Mục tiêu là tránh đổ vỡ nền kinh tế, đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu. Các địa phương chưa có ca mắc hoặc cấp độ dịch thấp có thể chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, nhân lực, điều kiện đảm bảo đáp ứng trong trường hợp dịch bùng phát; tránh tình trạng bị động, hoặc phải áp dụng biện pháp phong tỏa cực đoan, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế, xã hội.
![PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/09/28/ChiHuong-jpeg-6959-1632831498.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3pd_dufH9lKpk5cuKsPsjw)
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Về kiến nghị của TP HCM thay đổi một số tiêu chí trong hướng dẫn, bà Hương khẳng định "đến nay Bộ chưa chính thức nhận được". Khi góp ý bằng văn bản cho dự thảo, TP HCM không đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu "ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine" thành "ít nhất 80% người trên 65 tuổi hoặc 50% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine". Tương tự, việc kiến nghị điều chỉnh chỉ số ca nhiễm một tuần, thay bằng số ca nặng và tử vong trên 100.000 dân, cũng không được nêu trong văn bản góp ý của thành phố.
Bà Hương giải thích tiêu chí "ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine" thể hiện rõ mục đích bảo vệ người cao tuổi, có bệnh lý nền, giảm nguy cơ nhiễm bệnh, trở nặng, nhập viện, tử vong. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong ở nhóm dân số trên 50 tuổi cao nhất (chiếm 81% tổng số ca tử vong do Covid-19), vì vậy cần tập trung tiêm vaccine cho nhóm này. "Toàn hệ thống chính trị đang vào cuộc quyết liệt nhằm đảm bảo đủ vaccine tiêm cho người dân. Việc đưa tỷ lệ tiêm vaccine vào tiêu chí bắt buộc là để địa phương có kế hoạch ưu tiên tiêm cho nhóm trên 50 tuổi trước", bà Hương nói.
Ngoài các chỉ số bắt buộc theo hướng dẫn chung, các địa phương có thể bổ sung biện pháp phù hợp theo yêu cầu thực tiễn. Nếu áp dụng biện pháp cao hơn hoặc thấp hơn mức độ nguy cơ, địa phương phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. "Dự thảo hướng dẫn đang lấy ý kiến để tiếp thu, hoàn chỉnh, sớm trình Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 ban hành. Khi thực hiện, Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục đánh giá, chỉnh sửa hướng dẫn cho phù hợp với từng giai đoạn", Cục trưởng Quản lý môi trường cho hay.
Ngày 28/9, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, giao Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì, phối hợp với Thứ trưởng Quốc phòng Võ Minh Lương nghiên cứu, đề xuất cụ thể và báo cáo về kiến nghị của TP HCM xin áp dụng quy định riêng về mở cửa kinh tế.