Dự thảo thông tư nêu, trạm thu phí là nơi thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ; cơ sở hạ tầng gồm nhà điều hành, nhà bán vé, cổng soát vé, thiết bị kiểm soát tải trọng xe, giám sát doanh thu, phương tiện...
Đầu năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải sử dụng tên gọi "trạm thu giá" thay cho "trạm thu phí" để phù hợp với Luật giá đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, cụm từ "trạm thu giá" bị phản đối vì không có nghĩa, làm mất sự trong sáng của tiếng Việt.
Tháng 5/2019, Bộ Giao thông Vận tải lại lấy ý kiến dự thảo thông tư hoạt động trạm thu phí với tên gọi được sửa đổi là "trạm thu tiền"; tên gọi mới này cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều và dự thảo lần này đã trả lại tên "trạm thu phí".
Dự thảo thông tư mới quy định vị trí đặt trạm thu phí phải được công khai ngay khi công bố dự án, được cấp thẩm quyền phê duyệt; công khai cho chính quyền cấp quận (huyện) và nhân dân địa phương trong 30 ngày trước thời điểm quyết định duyệt dự án xây dựng trạm thu phí.
Cơ quan nhà nước phải công khai vị trí đặt trạm tại trụ sở UBND quận/huyện, phường/xã nơi dự kiến đặt trạm thu phí.
Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của đơn vị thu tiền là bảo trì công trình, tổ chức giao thông an toàn, thông suốt. Đơn vị này phải phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương giữ gìn an ninh trật tự, tránh ùn tắc giao thông.
Trong quá trình thu phí, các thông tin của dự án đường bộ phải được công khai trên biển báo điện tử tại nhà điều hành trạm bao gồm tên dự án, giá trị công trình, tổng thời gian được thu tiền, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước, số điện thoại đường dây nóng...
Dự thảo thông tư quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải được lấy ý kiến đến giữa tháng 10, sau đó sẽ được Bộ trưởng phê duyệt.