Dự án đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam đã được nhiều đơn vị tư vấn nghiên cứu trong 10 năm qua với nhiều phương án khác nhau. Trong nghiên cứu mới nhất, liên danh tư vấn TEDI - TRICC - TEDIS (đơn vị tư vấn nghiên cứu báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam) đã rà soát tất cả các kịch bản trước đây, tổng hợp thành 3 phương án dựa trên 3 quan điểm phát triển ngành đường sắt quốc gia là thấp - trung bình - cao.
Kịch bản thứ nhất là phát triển thấp, chỉ đầu tư nâng cấp, tăng cường năng lực tuyến đường đơn hiện có khổ 1.000 mm để chạy tàu khách và tàu hàng. Vừa qua Quốc hội đã bố trí 7.000 tỷ đồng để nâng cấp dần tuyến này theo lộ trình quy hoạch.
Việc đầu tư theo phương án trên có chi phí không quá lớn, tốc độ tàu trung bình có thể tăng lên 80-90 km/h cho tàu khách và 50-60 km/h cho tàu hàng. Tuy nhiên kịch bản này không cải thiện được nhiều năng lực vận tải trên tuyến Bắc Nam đến năm 2030 so với hiện nay.
Kịch bản thứ hai là phát triển trung bình, nâng cấp tuyến hiện tại thành đường đôi, khổ 1.435 mm chạy chung cả tàu khách tốc độ 200 km và tàu hàng tốc độ 120 km/h.
Việc khai thác chung tàu hàng với tàu khách trên tuyến đường sắt tốc độ cao được cho là vấn đề lớn với kịch bản này. Đoàn tàu hàng sẽ phải chịu áp lực đẩy rất lớn từ đoàn tàu khách tốc độ cao khi gặp nhau. Để đảm bảo an toàn, một số nước đã có những quy định không cho phép tàu khách gặp tàu hàng ở tốc độ lớn hơn 200 km/h, cũng như không cho phép hai loại tàu gặp nhau trong hầm; hàng hóa khi vận chuyển trên tàu hàng được quy định rất chặt chẽ, phải đóng trong thùng container, neo giữ tốt để tránh bị lật đổ.
Với đặc thù Việt Nam, nếu chạy chung tàu hàng và tàu khách trên đường đôi khổ 1.435 mm vào ban ngày và không có các giải pháp bố trí tránh tàu hữu hiệu, chuyến tàu hàng số 1 có thể đi Bắc Nam trong 20 giờ, song từ tàu hàng số 2 sẽ không thể bố trí được do vướng tàu khách.
Trường hợp tàu chạy 2 chiều trên mỗi nhánh đơn sẽ rất phức tạp trong điều khiển, hạn chế tốc độ và ảnh hưởng tới an toàn. Với phương án bố trí các ga xép để tránh tàu thì trên tuyến cứ khoảng 6 km sẽ phải bố trí một ga xép, do đó, việc đầu tư ga xép rất nhiều và chi phí lớn.
Ngoài ra, nếu theo phương án chạy tàu hàng chạy đêm, tàu khách chạy ban ngày thì mỗi ngày chỉ có 3 đôi tàu hàng hoạt động, trung bình một chuyến tàu hàng chạy Bắc Nam mất 4 ngày, không đạt hiệu quả kinh tế.
Tính toán của đơn vị tư vấn cũng cho thấy việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường sắt hiện nay là rất khó khăn, chi phí giải phóng mặt bằng lớn bởi đường sắt cũ đi qua khu đô thị, khu đông dân cư; phải cải tạo lớn các yếu tố bình diện, trắc dọc tuyến, nhà ga,... nên chi phí tới hơn 40 tỷ USD. Đồng thời, việc nâng cấp sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tổ chức chạy tàu hiện nay trên tuyến Bắc Nam. Với nhu cầu vận tải lớn trên hành lang Bắc Nam, nếu chỉ nâng cấp, mở rộng tuyến cũ là không đáp ứng được, áp lực sẽ tiếp tục tăng lên cho các ngành đường bộ, đường thủy và hàng không như hiện nay.
Kịch bản thứ ba là phát triển cao, nâng cấp đường sắt hiện hữu khổ 1.000 mm chủ yếu để chạy tàu hàng và xây mới tuyến đường sắt tốc độ cao 350 km/h.
Hiện tàu hàng chỉ chạy được 5-7 đôi mỗi ngày thường và bị cắt giảm chỉ còn 1-2 đôi mỗi ngày dịp cao điểm do ảnh hưởng của tàu khách. Song sau khi nâng cấp, tàu hàng gần như được chạy đường riêng sẽ nâng công suất tối đa có thể đạt 25 đôi tàu hàng/ngày tương ứng khoảng 12-15 triệu tấn/năm trên một mặt cắt thông qua. Cùng với đó, 90 đôi tàu khách trên tuyến đường sắt tốc độ cao được xây mới sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai; khắc phục được những bất cập khi chạy chung tàu hàng với tàu khách tốc độ cao như trong kịch bản 2.
Ngoài ra, tốc độ chạy tàu càng tăng thì đường sắt càng giành được thị phần vận tải. Theo tính toán của tư vấn, chặng Hà Nội - Vinh nếu khai thác tàu tốc độ 350 km/h thì thị phần vận tải hành khách đạt 92%, trong khi tàu 200 km/h đạt 85%; với chặng Hà Nội – Đà Nẵng thị phần tương ứng là 75% và 33%; chặng Hà Nội - Nha Trang là 73% và 3%; còn với tuyến Hà Nội - TP HCM thị phần vận tải của tàu 350 km/h đạt 14%, trong khi loại hình 200 km/h chỉ đạt 0,3% cho thấy gần như không thu hút được hành khách ở tốc độ này.
Về thời gian, tàu khai thác tốc độ 320 km/h đi từ Hà Nội đến Vinh mất 1 giờ, trong khi thời gian chờ đợi và di chuyển bằng đường hàng không bao gồm cả tiếp cận, kiểm tra an ninh sẽ mất 3 giờ; trên chặng Hà Nội - Nha Trang là 4,2 giờ, tương đương thời gian đi máy bay khoảng 4,5 giờ; chặng Hà Nội - TP HCM là 5,5 giờ, dài hơn máy bay chỉ một giờ, còn với tàu tốc độ 200 km/h chặng Hà Nội - TP HCM sẽ phải mất tới 9,7 giờ dài hơn máy bay tới 5,2 giờ.
Với giá vé tàu tốc độ 320 km/h được tính toán và giữ ở mức bằng khoảng 75% giá vé bình quân máy bay thì người dân có thể lựa chọn tàu tốc độ cao. Xét thêm về tính thuận tiện đi lại và tính đúng giờ của đường sắt tốc độ cao sẽ càng hấp dẫn với hành khách.
Hiện trên thế giới có khoảng 32.747 km đường sắt chạy với vận tốc trên 250 km/h chiếm khoảng 70% toàn mạng lưới đường sắt tốc độ cao. Các nước đều tìm cách để tăng tốc độ chạy tàu, đặc biệt trên các tuyến đường sắt xây mới. Nhật Bản vừa mới thử nghiệm thế hệ đoàn tàu ALFA-X chạy trên ray với tốc độ khai thác lên tới 360 km/h - 400 km/h sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh mới về tốc độ cho đường sắt trên thế giới.
Tháng 2/2019, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam. Trong 3 kịch bản nghiên cứu, Bộ này đã trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu khả thi theo phương án 3, lộ trình xây dựng theo 2 giai đoạn với tổng vốn đầu tư 58,7 tỷ USD.
Đầu tháng 6, trong văn bản gửi Thủ tướng về dự án đường sắt cao tốc trục Bắc Nam, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho hay, các chuyên gia nước ngoài ước tính tổng vốn đầu tư dự án này chỉ khoảng 26 tỷ USD áp dụng cho đường sắt tốc độ 200 km/h. Phương án này khả thi hơn đường sắt cao tốc 350 km/h.
Thủ tướng đã thành lập Hội đồng thẩm định dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam với thành viên là lãnh đạo các bộ ngành và 20 tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua, cho phép Hội đồng thẩm định thuê tư vấn nước ngoài. Dự kiến Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao vào kỳ họp tháng 5/2020.