Đây là khu vực đầu tiên trong sân bay Biên Hòa được Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) xử lý, bàn giao cho Bộ Quốc phòng. Toàn bộ khu vực đất sau khi làm sạch chiếm khoảng 4% diện tích xử lý dioxin của toàn dự án (75 ha) được dùng làm công viên.
Trước đó đầu năm 2021, 5.300 m2 ở hồ Cổng 2 (TP Biên Hòa), nằm ngoài sân bay đã được bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý.
Theo Thứ trưởng Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa đặc biệt quan trọng, là điển hình hợp tác giữa Chính phủ Mỹ và Việt Nam trong vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh.
"Đây là thành quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa USAID và Bộ Quốc phòng khi gần 3 ha đất đã được làm sạch, phục hồi sinh thái, công viên cây xanh đã hình thành", thượng tướng Chiến nói.
Ngoài bàn giao diện tích đất đã làm sạch ở phía tây nam, hôm nay USAID cũng bắt đầu triển khai làm sạch đất và bùn ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa (giai đoạn một) với khoảng 100.000 m3 trên tổng số 500.000 m3.
Bà Samantha Power, Giám đốc USAID cho biết việc bàn giao khu đất là kết quả của việc hợp tác, cùng chung tay khắc phục những gì còn tồn tại sau chiến tranh. "Khu đất này đã được làm sạch, an toàn, người dân có thể đi bộ, ngắm cảnh. Đó là biểu tượng cho sự cam kết hợp tác mạnh mẽ giữa hai quốc gia", bà nói.
Sân bay Biên Hòa từng là căn cứ chủ chốt của quân đội Mỹ, dùng để chứa chất diệt cỏ và phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Từ cuối năm 1969 đến tháng 3/1970, nơi đây đã xảy ra 4 vụ tràn chất độc hóa học từ các bể chứa với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam bị rò rỉ.
Giới chuyên gia đánh giá khu vực này là nơi nhiễm chất độc dioxin nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới. Dự án xử lý dioxin khu vực sân bay Biên Hòa dự kiến hoàn thành trong 10 năm với hai giai đoạn. Trong đó, 150.000 m3 đất sẽ được xử lý trong giai đoạn 1 (đến năm 2025) với kinh phí 390 triệu USD.
Phước Tuấn