Chiều 20/1, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã bàn giao hồ nước từng bị nhiễm dioxin từ sân bay Biên Hòa, cho Bộ Quốc phòng.
Hồ cổng 2 nằm trong dự án 500.000 m3 đất nhiễm dioxin cần xử lý giai đoạn đầu, được Bộ Quốc phòng bàn giao cho USAID xử lý từ tháng 12/2019. Đơn vị này đã bốc xúc gần 1.200 m3 trầm tích ô nhiễm dioxin vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép, đưa vào khu xử lý trong sân bay Biên Hòa.
USAID cũng giải phóng, phục hồi toàn bộ diện tích mặt hồ rộng hơn 5.300 m2, đáp ứng về ngưỡng dioxin của Việt Nam, bảo đảm an toàn cho con người, môi trường và các công trình xung quanh.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đánh giá, sự kiện này đánh dấu một chặng đường rất dài sắp tới là Việt Nam phải làm sạch hơn 500.000 m3 đất nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa. Quan trọng hơn là công nghệ làm sạch dioxin đã có hiệu quả, khẳng định hợp tác lâu dài giữa Việt Nam - Mỹ. Trong đó, Mỹ phải có trách nhiệm một cách đầy đủ về khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam nói chung và sân bay Biên Hòa nói riêng.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo Quốc gia 701), kết quả xử lý dioxin ở khu vực hồ cổng 2 là cơ sở để cơ quan chức năng bàn giao mặt bằng cho tỉnh Đồng Nai, góp phần bảo vệ môi trường, an toàn cho người dân địa phương.
Từ kết quả này, Quân chủng Phòng không Không quân tiếp tục bàn giao mặt bằng các khu vực ô nhiễm dioxin phía trong sân bay Biên Hòa, tổng diện tích khoảng 7,2 ha, cho USAID.
Cũng trong chiều nay, USAID và Ban chỉ đạo Quốc gia 701 đã lập hồ sơ liên quan để phê duyệt đầu tư dự án hỗ trợ người khuyết tật tại 8 tỉnh: Quảng Nam, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Đồng Nai, Quảng Trị, Kom Tum, Bình Phước với nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Mỹ là 65 triệu USD và một phần vốn đối ứng ngân sách Việt Nam - 75 tỷ đồng.
Đại diện USAID và Văn phòng Ban chỉ đạo 701 đã ký ý định thư về hợp tác truyền thông cho thành tựu hợp tác giữa hai quốc gia đã đạt được trong 25 năm qua trong khắc phục hậu quả chiến tranh.
Ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cho biết Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện cam kết hỗ trợ người khuyết tật ở 8 tỉnh ưu tiên và xử lý bom mìn, ô nhiễm dioxin sân bay Biên Hòa như đã hứa.
Sân bay Biên Hòa từng là căn cứ chủ chốt của quân đội Mỹ, dùng để chứa chất diệt cỏ và phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Từ tháng 12/1969 đến tháng 3/1970, nơi đây đã xảy ra 4 vụ tràn chất độc hóa học từ các bể chứa với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam rò rỉ ra bên ngoài.
Giới chuyên gia đánh giá khu vực này là nơi nhiễm chất độc dioxin nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới.
Dự án xử lý dioxin khu vực sân bay Biên Hòa dự kiến hoàn thành trong 10 năm với hai giai đoạn. Giai đoạn một (đến năm 2025) sẽ xử lý 150.000 m3 đất với kinh phí khoảng 390 triệu USD.
Phước Tuấn