Ngày nay, các nữ tiếp viên hàng không thường gợi lên cho hành khách cảm nhận về sự yên tâm, chuyên nghiệp và dịch vụ chu đáo. Tuy nhiên vào những năm 1950 - 1960, ý nghĩa của nghề này lại theo một định hướng khác.
Vào những năm đó, các cô gái làm nghề phục vụ hành khách trên máy bay không được gọi là "tiếp viên hàng không" (flight attendant), mà bằng cái tên khác "cô phục vụ" (stewardesses). Những yếu tố quan trọng nhất với họ thời đó là chân dài, lông mi dài và một mái tóc hoàn hảo.
Diane Hansen là tiếp viên hàng không đã về hưu và từng làm 21 năm cho hãng Pacific Southwest Airlines (PSA). Tiết lộ trên Los Angeles Times, bà cho biết các nữ tiếp viên PSA ở California, với đồng phục váy ngắn, gắn lông mi giả và đi bốt cao đến đầu gối, đã được biết đến trên khắp nước Mỹ như những cô gái đẹp nhất trên bầu trời.
Các hãng bay thời đó cũng đưa ra chuẩn mực khắt khe về ngoại hình và hành động của các tiếp viên. Khi gia nhập PSA vào năm 1967, Hansen và các tiếp viên được yêu cầu không được lập gia đình và phải kiểm tra cân nặng, đầu tóc trước mỗi chuyến bay. Họ cũng phải đảm bảo rằng mình đã cạo lông chân.
Ngoại hình của các nữ tiếp viên quan trọng đến mức họ có thể bị sa thải chỉ vì nặng quá tiêu chuẩn một kg. Ngay cả khi nhận lương, họ cũng phải mặc đồng phục và mang giày cao gót, Hansen nhớ lại.
Theo tờ Vanity Fair, các nữ phục vụ không được phép nặng quá 64 kg, không được thấp hơn 1m57 nhưng cũng không được cao quá 1m75. Họ phải chấp nhận giải nghệ ở tuổi 32. "Họ giống như mồi câu, như các geisha mà công ty đào tạo để làm hài lòng hành khách nam giới, những người chiếm 80% thị phần của các hãng bay vào cuối những năm 60".
Vào năm 1966, hãng Eastern Airlines đăng tuyển tiếp viên với yêu cầu: tốt nghiệp trung học, độc thân (góa phụ, ly hôn nhưng không có con), 20 tuổi (những cô gái 19 tuổi rưỡi có thể được xếp vào danh sách chờ), cao từ 1m57 đến 1m75, phải đạt tỷ lệ vàng giữa cân nặng và chiều cao theo WHO và thị lực tốt.
Năm 1967, hãng United Airlines cũng yêu đăng khẩu hiệu "Hôn nhân là điều tuyệt vời. Nhưng chẳng phải bạn nên khám phá thế giới trước ư?" khi tuyển nhân viên.
Mặc dù điều kiện tuyển tiếp viên khắt khe, nhưng mỗi lần tuyển dụng hãng của Hansen lại nhận được hàng nghìn đơn xin việc.
Nghề tiếp viên thời đó không được nhiều người ủng hộ như bây giờ. Laurie Power, một cựu tiếp viên có 29 năm làm việc cho Trans World Airlines, nói trên Vanity Fair: "Những người phụ nữ làm nghề này gần như được coi là đứa con cá biệt trong gia đình".
Theo thời gian, cùng với phong trào nữ quyền của phụ nữ ngày một dâng cao, các tiêu chuẩn khắt khe dành cho tiếp viên cũng được dỡ bỏ. Vào năm 1988, khi US Airways mua lại PSA, các nữ phục vụ trên máy bay đã được gọi bằng một cái tên khác, trang trọng hơn: nữ tiếp viên hàng không.
Dù vậy, nghề tiếp viên trong những năm 50-60 không hẳn là những vết đen. Hansen cho biết, điều bà nhớ nhất khi hành nghề trong những năm đó chính là: "Chúng tôi được ngưỡng mộ và chúng tôi đã được tôn trọng".