Chiều 2/1, chiếc Airbus A350 của hãng Japan Airlines bốc cháy khi va chạm với phi cơ của Cảnh sát biển trên đường băng sân bay Haneda, thủ đô Tokyo. Sau 18 phút kể từ khi sự cố xảy ra, toàn bộ 379 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chiếc A350 sơ tán an toàn qua ba cửa thoát hiểm, trước khi máy bay bị nhấn chìm trong lửa.
Bộ Giao thông Nhật Bản nói quy trình sơ tán của Japan Airlines "đã được thực hiện đúng cách". Các chuyên gia hàng không quốc tế cũng ca ngợi cách phản ứng của các tiếp viên trên chuyến bay, cho rằng sự bình tĩnh, chuyên nghiệp của họ đã góp phần tạo nên phép màu.
Anthony Brickhouse, phó giáo sư Đại học Hàng không Embry-Riddle ở Mỹ, cho rằng đây là cuộc sơ tán "rất ấn tượng, có tổ chức và trật sự". Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một thực tế là toàn bộ quá trình sơ tán mất đến 18 phút, nhiều gấp 12 lần so với "tiêu chuẩn vàng 90 giây" được các cơ quan quản lý hàng không quốc tế đề ra.
90 giây là thời gian sơ tán tối đa mà tập đoàn Airbus đã thể hiện trong các cuộc thử nghiệm để dòng máy bay A350 của họ được các cơ quan quản lý như Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và đối tác châu Âu cấp phép hoạt động. Việc phi hành đoàn của chiếc A350 bị cháy ở Nhật mất nhiều thời gian hơn thế để sơ tán nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho tất cả hành khách và thành viên phi hành đoàn đã làm dấy lên những tranh cãi về mức độ khắt khe của tiêu chuẩn này.
Bài kiểm tra về khả năng sơ tán hành khách trong vòng 90 giây với các điều kiện mô phỏng thực tế là một phần tốn kém và quan trọng của quá trình cấp phép. Các hãng như Airbus và Boeing phải tuyển hàng trăm tình nguyện viên đóng vai hành khách để tham gia thử nghiệm, với ít nhất 40% người là nữ, 35% trên 50 tuổi và tối thiểu 15% là nữ trên 50 tuổi. Ba búp bê với kích thước người thật được đưa lên khoang để mô phỏng trẻ em từ 2 tuổi trở xuống.
Hành lý xách tay, chăn và gối cũng được yêu cầu vứt lộn xộn trên sàn để tạo ra vật cản khi sơ tán và ánh sáng trong cabin phải được làm mờ để mô phỏng điều kiện khi máy bay gặp sự cố.
Nhằm đảm bảo điều kiện mô phỏng sát thực tế nhất có thể, chỉ một nửa số cửa thoát hiểm của máy bay có thể sử dụng, với Airbus là 4 trong 8 cửa, và hành khách không được báo trước về thời điểm bắt đầu quá trình sơ tán.
"Quy tắc 90 giây là có cơ sở, bởi máy bay rõ ràng có thể bị thiêu rụi chỉ trong vài giây", Sara Nelson, chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên Hàng không CWA, công đoàn đại diện cho phi hành đoàn của một số hãng hàng không ở Mỹ, nói.
Hồi tháng 5/2019, một chiếc Sukhoi Superjet 100 do Nga sản xuất và vận hành bị sét đánh ngay sau khi cất cánh, buộc phải hạ cánh khẩn cấp. Máy bay đã sập càng đáp khi tiếp đất, nhiên liệu bị rò rỉ khiến lửa bùng lên ở phía sau.
Kết quả điều tra cho thấy chỉ những hành khách sơ tán khỏi máy bay trong vòng 70 giây là có thể thoát nạn. Sau thời gian đó, những người còn lại, chủ yếu ở phía sau máy bay, đều thiệt mạng. 37 người trong số 78 hành khách và thành viên phi hành đoàn sống sót.
Nhưng cuộc sơ tán trên máy bay A350 gặp nạn ở Tokyo ngày 2/1 có vẻ rất khác. Chỉ hai lối thoát hiểm ở phía trước và một cửa bên trái phía sau máy bay được coi là an toàn, ít hơn một so với trong bài kiểm tra. Máy bay cũng chở theo 379 người, nhiều hơn so với tiêu chuẩn 300-350 chỗ của A350. Các máy bay được khai thác trong chặng nội địa của Japan Airlines thường bố trí số ghế nhiều hơn tiêu chuẩn.
Không rõ mất chính xác bao lâu để chiếc máy bay A350 dừng lại hoàn toàn sau va chạm hoặc khi lệnh sơ tán chính thức được phi hành đoàn đưa ra. Lời kể ban đầu của hành khách trên chuyến bay cho thấy các tiếp viên mất khoảng 3 phút để xác định cửa thoát hiểm an toàn và sau đó mất hơn 10 phút để mọi người rời máy bay.
Năm 2020, một cơ quan giám sát của chính phủ Mỹ công bố báo cáo về các vụ tai nạn máy bay ở nước này từ năm 2009 tới 2016, cho thấy có nhiều yếu tố khiến thời gian sơ tán kéo dài từ 2 đến 5 phút, gồm khả năng ra quyết định chậm trễ của phi hành đoàn, hành khách không tuân thủ hướng dẫn an toàn như phải để lại tất cả hành lý xách tay và không sử dụng điện thoại trong quá trình sơ tán.
Phi hành đoàn của Japan Airlines dường như đã tránh được những yếu tố này, song hiện chưa rõ lý do khiến quá trình sơ tán kéo dài như vậy.
"Các tiếp viên Japan Airlines dường như đã thực hiện tốt công việc của mình, nhưng vẫn còn những câu hỏi như cách bài trí trong cabin, các ghế xếp gần nhau tới mức nào và những ai ở trong đó?", Nelson nói.
Trong sự cố, máng trượt thoát hiểm ở phía sau máy bay cũng chỉ tạm thời an toàn, trước khi ngọn lửa lan rộng, khiến hành khách ngồi gần cuối phải di chuyển lên hai lối thoát hiểm phía trước. Tầm nhìn của họ lúc đó bị cản trở vì khói đang nhanh chóng tràn ngập cabin.
Máy bay đã bị nghiêng về phía trước do càng đáp bị sập, khiến hành khách khó di chuyển hơn. Điều đó cũng làm giảm độ dốc và tốc độ trượt ở hai máng trượt khẩn cấp.
Hệ thống thông báo của máy bay bị lỗi, khiến phi hành đoàn phải la hét hoặc dùng loa phóng thanh cầm tay để chỉ dẫn hành khách. Khi rà soát cabin lần cuối, cơ trưởng phát hiện một số hành khách vẫn bị mắc kẹt, khiến quá trình sơ tán kéo dài thêm.
Cristian Sutter, chuyên gia thiết kế cabin kiêm người đứng đầu nhóm phát triển nội thất cho đội bay A350 của Bristish Airways, cho biết một phần thành công của quá trình sơ tán là nhờ thiết kế của A350 cùng quy tắc và biện pháp nghiêm ngặt để ngăn ngọn lửa lan khắp máy bay.
"Thiết kế, giấy phép, vật liệu và những bài học kinh nghiệm từ những vụ tai nạn trước đây đã giúp hành khách có thêm thời gian sơ tán. Những điều đó đã khiến quá trình sơ tán có thể kéo dài hơn so với quy định", Sutter nói.
"Bạn có thể nhìn nhận theo hai cách. Một là tại sao mất nhiều thời gian như thế và 18 phút là điều không thể chấp nhận. Hai là dù kéo dài 18 phút, tất cả hành khách trên máy bay đều được cứu", chuyên gia này nói thêm.
Sutter cho biết tốc độ đám cháy lan rộng trên máy bay trong mỗi sự cố là khác nhau. "Trong các vụ tai nạn khác, hành khách có thể không có nhiều thời gian như vậy để thoát hiểm", ông nói.
Dù vậy, vụ tai nạn với chiếc A350 của Japan Airlines một lần nữa làm dấy lên câu hỏi từng được nhiều nhóm bảo vệ khách hàng và các nghị sĩ Mỹ nêu lên về việc những yêu cầu trong bài kiểm tra cấp giấy phép máy bay có thể đảm bảo sơ tán nhanh chóng trong tình huống thực.
Máy bay ngày nay đã trở nên lớn hơn và khoảng cách giữa các chỗ ngồi cũng đã thu hẹp, điều mà một số người cho rằng các nhà quản lý đã không xem xét đầy đủ trong những cuộc kiểm tra trước đây.
A350 là máy bay chở khách lớn nhất hiện có thể mua mới trên thị trường. Cabin của nó dài 51 m, lớn hơn kích thước của một bể bơi tiêu chuẩn Olympic, khiến quá trình di chuyển từ đuôi đến đầu máy bay có thể mất nhiều thời gian hơn so với các loại phi cơ đời cũ, đặc biệt là trong điều kiện khói bao phủ cabin.
Lần cập nhật quy định sơ tán cuối cùng là vào năm 2004, phần lớn dựa trên vụ va chạm giữa một chiếc Boeing 737 đang chuẩn bị hạ cánh tại sân bay Los Angeles và một máy bay cánh quạt nhỏ chờ cất cánh năm 1991. Vụ tai nạn khiến 12 người trên máy bay nhỏ và 23 trong số 89 người trên Boeing 737 thiệt mạng, hầu hết vì ngạt khói trong khi chờ sơ tán.
Năm 2022, FAA cho biết khi xem xét gần 300 cuộc sơ tán trong thập kỷ qua, họ nhận ra một số vấn đề cần được cải thiện, như khi hướng dẫn an toàn bay trước khi cất cánh, tiếp viên phải thông báo cho hành khách về yêu cầu để lại hành lý xách tay trong trường hợp khẩn cấp. Song FAA cũng kết luận mức độ an toàn của quy định sơ tán cũ vẫn ở mức cao.
Nhưng thượng nghị sĩ Mỹ Tammy Duckworth cho rằng FAA nên tính đến các điều kiện thực tế khi thiết lập tiêu chuẩn sơ tán, đồng thời đề xuất thêm các quy định hướng dẫn khi hành khách quá nhỏ hoặc quá lớn tuổi, là người khuyết tật hoặc không nói được tiếng Anh.
Một bác sĩ nam 52 tuổi đến từ Tatebayashi, tỉnh Gunma, người ngồi ở ghế đầu, đã cùng vợ con sơ tán bằng máng trượt khẩn cấp trước, sau đó hỗ trợ các hành khách khác trượt xuống. Ông cho biết mọi người đều hoảng sợ và một số bị ngã.
"Thật đáng sợ khi nghĩ rằng máy bay có thể bốc cháy và phát nổ", ông nói, song ca ngợi sự điều phối bình tĩnh của phi hành đoàn, nói rằng "họ có vẻ đã được đào tạo rất bài bản".
Thanh Tâm (Theo WSJ, Kyodo News, AFP)