Sau những ngày tháng dài chìm trong nhiều lầm lạc của tuổi thiếu niên và những cơn trầm cảm, tôi uống thuốc ngủ và khóa mình trong phòng riêng, sau cánh cửa gỗ kiên cố.
Bằng linh cảm nào đó, mẹ tôi hôm ấy về nhà giữa ban ngày. Cũng bằng linh cảm, bà gọi người phá tan cánh cửa, tìm thấy tôi đang nằm, rồi đưa tôi đi cấp cứu.
Tôi chìm trong một bóng tối chỉ có những người còn thức mới biết nó kéo dài bao nhiêu ngày, mở mắt ra mẹ đứng bên giường bệnh. Tôi chỉ kịp hỏi mẹ: “Con đang ở đâu?”.
Bà cầm tay tôi, mỉm cười: “Con ngủ thêm đi”.
Hôm ấy, mẹ tôi không về nhà một cách tình cờ. Bà đã luôn hiểu tôi đến mức nhận ra bất kỳ một thay đổi nào nhỏ nhất, từ lúc bé cho đến tận bây giờ, khi tôi đã bước sang tuổi tứ tuần.
Tôi vẫn luôn mang cảm giác rằng mẹ hiểu tôi, hơn tôi hiểu con. Và những phụ huynh của hơn hai thập kỷ trước, ở một thời đại mà họ phải lam lũ hơn bây giờ rất nhiều, hiểu con cái hơn chúng ta - những người đã lớn lên trong một xã hội không còn nghèo.
Có buổi sáng nọ trước giờ đi học tôi phát hiện ông con trai dậy sớm hơn bình thường, trong bóng tối nó lúi húi nhặt nhạnh vài món đồ chơi nhỏ cho vào cặp. Tôi không dám hỏi ngay, vài ngày sau lựa lúc vui mới hỏi, ông con “khai” mang đồ chơi đến trường đổi cho các bạn để lấy nem chua rán người ta bán giờ ra chơi.
Tôi hình dung gương mặt ông con ra làm sao lúc giờ chơi thèm thuồng món nem chua bạn nó ăn, bỗng trào lên sự ân hận. Tôi luôn nghĩ nó đầy đủ cũng như còn quá bé để biết tiêu tiền và cũng không bao giờ nghĩ được nó tự xoay xở theo phương án đó. Thứ 2, 4, 6 có nem chua, buổi sáng tôi dúi vào cặp ông con 10.000, ngày đầu tiên có tiền hắn hồ hởi kể hôm nay đã mời một người bạn thân 1 cái nem chua, hắn ăn 1 và nở nụ cười rạng rỡ.
Sau vụ “nem chua” tôi mới nhận ra mình không mấy hiểu con, từ việc nó chơi với ai, thích môn học nào…và cả việc bị bắt nạt.
Không biết có phải là chính sự đủ đầy của xã hội hôm nay làm chúng ta “đứt” kết nối với bọn trẻ. Sau giờ làm có nhiều thứ để vui hơn, không chỉ ở trong nhà. Smartphone được nâng niu và đắm đuối hơn con cái. Ngay cả điều kiện giáo dục nhà trường tốt cũng lại trở thành nguyên nhân của sự chủ quan. Tôi không nghĩ rằng đóng học phí đắt đỏ, đúng hạn là đã bàn giao trọn vẹn trách nhiệm trông con giờ hành chính cho nhà trường, nhưng quả thực trong tâm lý mơ hồ nào đó tôi phó thác tất tật cho họ, mối liên hệ duy nhất là chữ ký nguệch ngoạc “Bố cháu đã kiểm tra bài” trong quyển sổ liên lạc.
Tôi nghĩ lại tất cả những điều này khi đọc về những câu chuyện đau lòng về trẻ nhỏ. Trong một xã hội chật chội và người lớn ngày càng nhiều biến chứng tâm lý (ở đâu đó người ta thống kê rằng 15% dân số có vấn đề tâm thần), lũ trẻ đối mặt với quá nhiều nguy cơ.
Tôi bất lực khi đọc về những người mẹ rất thương và quan tâm đến con, nhưng cũng không thể ngăn được một ngày cháu kể với mẹ rằng mình là nạn nhân của một vụ ấu dâm. Tôi thậm chí không dám tưởng tượng rằng người mẹ ấy đã đau lòng tới mức độ nào, và đứa trẻ đến bao giờ mới vượt qua tổn thương về tâm lý ấy.
Thế thì những đứa trẻ khác, ngồi trệu trạo nhai cơm bên cạnh bà ôsin đang vẩy iPad, chúng sẽ được ai bảo vệ, trước muôn vàn loại nguy cơ? Thậm chí, tôi biết nhiều gia đình thậm chí sẽ không bảo vệ nổi con mình trước nguy cơ nhỏ nhất của xã hội hiện đại, là nghiện smartphone. Đưa cho đứa trẻ con xem tý YouTube, là được rảnh tay - đấy có thể xem là một dạng “biến chứng tâm lý” của xã hội hiện đại?
Tôi vẫn luôn hy vọng rằng cảm quan của mình nhầm lẫn, những gì tôi chứng kiến là cá biệt, rằng chúng ta có một thế hệ dành nhiều thời gian hơn cho con cái và bảo bọc chúng tốt hơn. Tôi rất hy vọng rằng bài viết này sai.
Nhưng tôi sợ rằng nguy cơ lớn nhất mà trẻ con hôm nay phải đối mặt, không phải là từ ngoài xã hội, mà là từ chính các ông bố bà mẹ trưởng thành trong một kỷ nguyên vật chất. Nguy cơ ấy, là việc phụ huynh của chúng nuôi niềm tin rằng trường tư giá cao, máy tính bảng và giúp việc bón cơm, đã là "nâng cấp" so với thế hệ trước. Họ khoán trắng con cho những thứ ấy.
Có chị bạn tôi quen, con trai chị hơn cu con nhà 1 tuổi, nhà ngập đồ chơi và những thứ đồ dùng xa xỉ khác vượt ngưỡng tuổi trẻ con, có tất. Ông con tôi thích đến đó chơi vô cùng và thắc mắc “Tại sao bạn ý lúc nào cũng buồn, chả nói chuyện gì cả”.
Tôi không biết. Nhưng tôi chắc chắn, là ba mươi năm trước, mẹ tôi sẽ biết.
Hoàng Minh Trí