Các chuyên gia cho biết ăn tối trong khoảng thời gian cố định có thể giúp giảm cân, cải thiện giấc ngủ và hỗ trợ tiêu hóa. Được gọi là "phương pháp chim sớm", ăn bữa cuối cùng trong ngày từ 17h đến 19h là phù hợp nhất với nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể.
Nhịp điệu này ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, tiêu hóa và giải phóng hormone, vốn đạt đỉnh điểm vào ban ngày và chậm lại khi màn đêm buông xuống.
Ăn quá muộn làm gián đoạn nhịp sinh học, có thể tàn phá giấc ngủ, khả năng tiêu hóa và tâm trạng. Tara Schmidt, chuyên gia dinh dưỡng của Mayo Clinic Diet, cho biết: "Những người ăn muộn hoặc ăn đêm có nguy cơ béo phì cao hơn".
Một nghiên cứu năm 2023 cho thấy ăn tối sau 9h tăng tỷ lệ đột quỵ 28%. Kể từ 8h tối trở đi, ăn tối càng muộn, nguy cơ đột quỵ thiếu máu cục bộ hoặc đột quỵ thoáng qua càng cao, tăng 8% mỗi tiếng.
Nghiên cứu năm 2022, công bố trên Tạp chí Cell Metabolism cho thấy những người ăn tối vào khoảng 5h chiều đốt nhiều calo hơn những người ăn tối muộn. Ăn 4 tiếng trước khi đi ngủ cho phép bạn có thời gian đi bộ sau đó, giúp cải thiện hệ tiêu hóa.
"Quá trình tiêu hóa diễn ra hiệu quả nhất khi trời còn sáng, cơ thể còn hoạt động. Thông thường, lượng đường trong máu tăng đột ngột trong bữa ăn. Tuy nhiên, khi cơ thể còn hoạt động, nó sẽ được điều chỉnh hiệu quả", tiến sĩ Schmidt giải thích.
Ăn tối quá muộn cũng có thể làm trầm trọng thêm chứng ợ nóng hoặc trào ngược axit. Ngoài thời gian ăn, thực phẩm có hàm lượng chất béo hoặc axit cao, caffeine và hương vị cay dễ gây khó tiêu, khiến bạn khó đi vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ.
Thực phẩm giúp ngủ ngon thường cân bằng tốt giữa protein nạc, chất xơ và carbohydrate phức tạp.
Thục Linh (Theo NY Post)