Chị Huyền sống ở Nga cùng chồng và con trai. Từ khi Covid-19 càn quét, mọi gánh nặng kinh tế đổ dồn lên vai người phụ nữ khiến chị stress, lo lắng, mất ngủ kéo dài. Tình trạng mất ngủ ngày càng tồi tệ, chị uống thuốc an thần nhưng không đỡ, cứ ngủ là mơ ác mộng. Thỉnh thoảng, chị bị hụt hơi, nhức mỏi, không tập trung. Đi khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị stress kèm rối loạn lo âu, dẫn đến kiệt sức, mất ngủ.
"Tôi quyết định về Việt Nam để điều trị và chữa lành", chị Huyền nói, hôm 16/8.
Tháng 3, chị về nước, được người thân dẫn đến câu lạc bộ Shuffer dance để rèn luyện sức khỏe. Ngày đầu, người phụ nữ bỡ ngỡ vì chưa biết bắt đầu từ đâu hay chia các bài tập thế nào cho hợp lý. Về sau, chị tham khảo nhiều sách, báo, video trên các trang nước ngoài và học hỏi từ các huấn luyện viên.
Điệu nhảy Shuffle dance có nguồn gốc từ các vũ điệu dân gian ở Melbourne, Australia, với nhiều tên gọi như Melbourne Shuffle hoặc The Shuffle, Rocking. Bộ môn này thiên về tập chân, phù hợp với tất cả mọi người và có thể tập ở bất kỳ địa hình nào, giúp bạn rèn luyện sức khỏe, tăng độ dẻo dai và linh hoạt cho cơ thể.
Chị Huyền tự nhân bản thân trầm tính, nhờ tập nhảy mà trở nên cởi mở và hòa đồng hơn, không còn mất ngủ, căng thẳng. Chị có thêm nhiều bạn mới để trò chuyện, thay vì chỉ lủi thủi một mình như trước.
"Không phải cứ vận động mạnh, boxing hay cardio mới giải tỏa áp lực. Mỗi lần nhạc lên và được nhảy shuffle, tôi hài hòa và cân bằng lại cảm xúc, như sống một cuộc đời mới", người phụ nữ chia sẻ.
HLV Trần Mạnh Cường, Chủ tịch Hiệp hội Shuffle dance Việt Nam, cho biết chị Huyền là học viên nhiều tuổi nhưng nhanh nhẹn, cảm nhận âm thanh tốt. Chị tập thêm gym và yoga nhưng chưa nghỉ buổi tập nhảy nào. Ngoài chị Huyền, trung tâm tiếp nhận nhiều học viên gặp phải tình trạng tương tự.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 340 triệu người trên thế giới mắc trầm cảm và ít nhất 15% dân số có biểu hiện trầm cảm rõ rệt ở một giai đoạn nào đó trong cuộc sống. Năm 2000, trầm cảm đứng thứ 4 trong 15 bệnh gây gánh nặng bệnh tật toàn cầu, dự đoán năm 2030 sẽ lên vị trí thứ nhất.
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt từ 25 đến 44, trong đó bệnh nhân nữ gấp đôi nam. Phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ mắc trầm cảm gấp hai lần so với chưa mãn kinh. Tại các cơ sở y tế chuyên khoa, số lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20-30% mỗi năm. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 khiến sức khỏe tinh thần của nhiều người bị ảnh hưởng trầm trọng hơn. Khả năng chịu áp lực của người trẻ cũng chưa tốt, dễ mất phương hướng trước các áp lực.
Bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, cho biết bệnh trầm cảm nếu không được can thiệp kịp thời sẽ trở thành mạn tính. Người bệnh giảm khả năng tự chăm sóc bản thân, thường xuyên nghĩ về cái chết. Ngoài điều trị thuốc, bệnh nhân có nhiều biện pháp giải tỏa tâm lý như âm nhạc, thiền, mua sắm, nuôi thú cưng, tập luyện. Đặc biệt, tập thể dục sẽ khiến cơ thể tiết hormone endorphin, giúp người tập vui vẻ, yêu đời, tự tin, giảm cảm giác lo âu. Tập luyện trong không gian rộng, có nhiều người giúp bệnh nhân hòa nhập, suy nghĩ tích cực hơn.
"Như trường hợp chị Huyền tìm thấy niềm vui khi tập nhảy, chỉ cần đến phòng tập là hòa đồng, tâm trạng phấn khởi hơn", bác sĩ nói.
Theo anh Cường, học viên có thể lựa chọn bản nhạc yêu thích để tăng cảm hứng tập luyện, giải tỏa áp lực sau một ngày làm việc. Một lớp học nhảy thường 20-30 người, trong đó nhóm trẻ chiếm 60%. Học viên chỉ cần tập một tuần là có thể nhảy các điệu cơ bản. Chi phí cho khóa học nhảy thấp, từ một đến vài triệu đồng cho 10 buổi, 300.000 đến 400.000 đồng cho khóa online.
Còn anh Cao Huy Cương, 30 tuổi, Giám đốc điều hành Trung tâm dạy nhảy ở Hà Nội, đánh giá nhảy shuffle phù hợp với tất cả mọi người, nữ có thể cải thiện vóc dáng, còn nam thì rèn luyện sức bền. Đến phòng tập, học viên có thêm cơ hội giao tiếp, kết nối với những người khác, từ đó có thể tâm sự về những lo lắng của mình.
"Tập luyện cần thời gian, hiệu quả không thể đến chỉ trong một vài ngày", anh nói. Anh khuyên học viên lắng nghe cơ thể để tập luyện điều độ, hiệu quả. Ngoài tập nhảy, bạn có thể kết hợp bộ môn đọc sách, vẽ, xem phim, nghe nhạc, nấu ăn và cân bằng dinh dưỡng để cuộc sống thú vị hơn.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào thể trạng bản thân để lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp. "Nếu có bệnh lý nội khoa thì nên chọn bộ môn nhẹ nhàng, không nên tập gắng sức", bác sĩ Hằng nói.
Bên cạnh đó, bác sĩ khuyến cáo không coi nhẹ triệu chứng trầm cảm, người mắc nên chia sẻ với bạn bè hoặc người thân. Khi phát hiện người bị trầm cảm, phải trấn an, tìm hiểu, tìm cách quan tâm và giúp đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm để tránh cơn trầm uất, quẫn trí. Bệnh nhân trầm cảm cần phải khám nhiều lần để điều trị, theo dõi đề phòng nặng thêm.
Các trường hợp khác nếu gặp bất cứ vấn đề như rối loạn giấc ngủ, lo âu, đau đầu,... cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, can thiệp kịp thời. Bác sĩ căn cứ vào nguyên nhân và dạng rối loạn trầm cảm để đưa ra phác đồ phù hợp.
Thùy An