Căng thẳng từ công việc và những lo lắng cuộc sống thường nhật khiến người đàn ông luôn mệt mỏi, chán chường. Anh nỗ lực tìm một lối thoát hoặc phương pháp nào đó để thoát khỏi tình trạng lo âu.
Năm ngoái, Delaney tham gia nghi thức tắm rừng, một phương pháp chữa lành được yêu chuộng tại Nhật Bản, nhằm giải phóng bản thân khỏi những vấn đề sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Đây là sự giao thoa giữa thiền định và chánh niệm, nơi con người tìm lại sự cân bằng, giảm căng thẳng, hạ huyết áp, thậm chí là tăng cường hệ miễn dịch.
Dưới sự hướng dẫn của Gary Evans, một chuyên gia từ Viện Tắm Rừng, Delaney hít thở sâu, để mọi giác quan hòa vào hương thơm của thiên nhiên - từ mùi thơm của lá cây đến mùi đất ẩm. Anh dành thời gian ngắm ánh nắng mặt trời xuyên qua tán lá, lắng nghe tiếng chim ca và tiếng lá cây xào xạc, thực sự đắm chìm trong vẻ đẹp và sự yên bình của khu rừng cổ thụ. Tâm trí Delaney không rối loạn nữa, thay vào đó, nó được giải phóng, sống động và hiện diện hoàn toàn trong hiện tại.
Tại Đại học Derby, các nhà khoa học đã nghiên cứu tác động của của việc đắm mình giữa thiên nhiên lên tâm trạng con người. Tiến sĩ Kirsten McEwen, người đứng đầu nghiên cứu, nhận thấy rằng sau những buổi hòa mình vào thiên nhiên, mức độ lo âu và suy nghĩ thái quá giảm đi đáng kể. Trong khi biến thiên nhịp tim - chỉ số của sức khỏe tim mạch tốt và trạng thái thư giãn - lại tăng lên.
Những người tham gia cảm nhận được sự gắn kết sâu đậm với thiên nhiên và mối quan hệ xã hội. Dưới bóng râm của những tán cây rộng lớn, Packham thực hành những bài thở sâu, nơi không khí trong lành và tiếng rì rào của lá cây tạo nên một bản hòa ca dịu êm, đưa anh đến với một trạng thái nhẹ nhàng và bình yên.
Một nghiên cứu mới đây cũng cho thấy liệu pháp tắm thiên nhiên tăng cường hoạt động của các tế bào "sát thủ tự nhiên" - những tế bào bạch cầu giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiều bệnh tật, bao gồm cả ung thư. Các nghiên cứu tiên phong từ Nhật Bản và Đại học Birmingham đã mở ra một hiểu biết sâu sắc: tắm thiên nhiên không chỉ là một lối tập luyện chánh niệm đầy hiệu quả, mà còn là chìa khóa để mở cánh cửa ngõ của ký ức tuổi thơ, nơi hạnh phúc và vô tư lự tràn ngập.
Trong cái ôm của thiên nhiên, những lo âu về công việc và cuộc sống dần tan biến, nhường chỗ cho sự tập trung vào những giác quan vào cái đẹp của hiện tại. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cũng cho rằng đây là giải pháp cho các vấn đề sức khỏe tâm thần mà không cần dựa vào thuốc men hay trị liệu tâm lý.
Sau buổi tắm thiên nhiên tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pulborough Brooks, Delaney không chỉ phát hiện ra một liệu pháp tâm lý vừa tiết kiệm chi phí vừa mang lại niềm vui. Anh đã ôm chặt lấy thân cây, hòa mình vào hương thơm tự nhiên và cảm nhận từng chạm nhẹ mà không hề e ngại. Delaney không cần biết đó là loại cây gì hay bí mật của nó là gì. Anh, một cư dân London với những lo lắng thường nhật, đã tìm ra điều kỳ diệu trong việc tắm thiên nhiên, một phát hiện thay đổi cuộc sống. Và trong trái tim mình, anh biết chắc rằng mình sẽ trở lại khu rừng này.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Occupational & Environmental Medicine cũng chỉ người ghé thăm không gian xanh ít nhất năm lần mỗi tuần có xu hướng sử dụng ít thuốc tâm thần, thuốc chống tăng huyết áp và thuốc chống hen suyễn hơn so với những người ít tiếp xúc với thiên nhiên. Như vậy, lợi ích từ việc gần gũi với thiên nhiên không chỉ giới hạn ở tinh thần mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất.
Dù lợi ích của việc gần gũi thiên nhiên là rõ ràng và thuyết phục, nhưng với hầu hết người dân thành thị, việc thu xếp 2-3 ngày vào rừng nạp năng lượng là khó khăn. Các chuyên gia đề xuất họ có thể trải nghiệm thiên nhiên ở công viên, vườn bách thảo, vườn nội khu dân cư. Hoặc, việc trồng nhiều cây xanh trong nhà, ban công, sống ở những nơi gần gũi thiên nhiên, hồ nước, sông... cũng là điều hữu ích cho sức khỏe.
Thanh Thúy (Theo Telegraph)