Đang tuổi sinh viên, những người được hỏi đều thuộc nửa sau của thế hệ 9X, tức khoảng 19 tới 23 tuổi. Với câu hỏi đầu, em trẻ nhất cũng nói được rằng, đất nước ta đã đi qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt, nay lại hiện diện trong hình ảnh một mảnh đất thanh bình, một khoảng trời yên ả, có thể ươm mầm hòa bình cho những nơi khác. Có chiều sâu nhất là ý kiến cho rằng, dân tộc ta đã gửi tới các dân tộc khác thông điệp về xây dựng và củng cố niềm tin, sự kiện này cho thấy ta đã tạo dựng được lòng tin thực sự.
Ở câu hỏi thứ hai, mọi sinh viên đều nói về việc mình sinh ra khi đất nước đang phát triển ổn định, mọi nhu cầu về vật chất và tinh thần đều trong tầm tay. Em cũng chỉ mang máng biết rằng khi xưa miền Bắc cũng chung cảnh ngộ như Triều Tiên hiện nay, thế rồi đất nước mở cửa và được như bây giờ. Các em nói khó có thể hình dung được những khó khăn mà thế hệ các thầy đã trải qua.
Bạn trẻ ngày nay khó mà hình dung được một lộ trình gian nan đất nước đã trải qua để đi lên. Cũng như một vài quốc gia khác, Việt Nam từng bị chia thành hai nửa đối kháng như hệ quả của một thế giới lưỡng cực, không thể song song tồn tại. Bằng xương máu của nhiều thế hệ, Việt Nam mới thống nhất. Và những tưởng đêm dài chiến tranh đã hết để xây dựng hòa bình dù tiềm lực kinh tế gần như không còn gì, thì ta lại phải đương đầu với chiến tranh biên giới phía Bắc, phía Tây Nam và trên Biển Đông.
Giai đoạn đoạn 1979 - 1985 là quãng thời gian đỉnh điểm của khó khăn. Vết thương chiến tranh không những còn nguyên mà còn tăng thêm. Cả nước rơi vào tình trạng thiếu lương thực. Tôi đã gặp nhiều đoàn người thiếu đói ở các địa phương ra thành thị xin trợ giúp, họ mang theo cả công văn của ủy ban xã. Chỗ dựa của Việt Nam khi ấy là các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa (cũ) nhưng đang rơi vào giai đoạn khủng hoảng tiền tan rã. Việt Nam quá cô đơn. Hận thù do chiến tranh vẫn còn nguyên mà bạn bè cũ lại trong cảnh thân ai nấy lo.
Chúng tôi khi ấy, gia đình nào cũng phải nếm trải những đắng cay, thiếu đói. Khu tập thể cơ quan tôi là dãy nhà được dựng lên bằng tre nứa trên đất nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội. Mỗi gia đình dăm người cũng chỉ được mươi mét vuông. Thiếu điện, thắp sáng chủ yếu bằng đèn dầu. Nhà nào sang thì có được cái radio tự lắp – lắp bằng một thanh ferit và một cuộn dây cảm ứng để dò sóng.
Có sổ gạo nhưng không phải lúc nào cũng có gạo mà mua, mọi người phải ăn hạt bo bo tồn kho lâu ngày. Thịt được bán theo tem phiếu, nhưng thường chỉ có cá khô bán ở các cửa hàng mậu dịch.
Tôi làm nghề dạy học mà cũng chỉ mua được một cái võng của bộ đội, cắt ra, may được hai cái quần giống nhau để lên lớp cho tươm tất. Tôi còn nghe sinh viên đố nhau: "Thầy Võ có mấy cái quần?". Một em đưa ra sáng kiến, muốn biết thì giả đò đẩy thầy ngã xuống ao, nếu hôm sau thầy nghỉ dạy thì có nghĩa thầy chỉ có một quần thôi.
Lương giáo viên không đủ chi dùng. May là khi đó tôi được bạn bè kéo đi "luyện thi đại học" nên có chút thu nhập phụ. Hai con tôi chào đời năm 1974 và 1976, đều lớn lên trong thiếu thốn. Mỗi lần lĩnh tiền dạy thêm, tôi cũng chỉ dám mua hai lạng thịt ngoài chợ về rim thật mặn để các cháu ăn dần.
Ấn tượng đầu tiên khi bắt đầu Đổi mới là không còn ngăn sông cấm chợ, bãi bỏ mọi loại tem phiếu. Thương mại trong nước được tự do, ngoại thương cũng không bị cấm cản. Hàng hóa tự cân bằng, di chuyển từ nơi thừa tới nơi thiếu. Mọi gia đình "vỡ òa" vì không còn phải lo thiếu gạo, thịt để mua. Mâm cơm ngày càng đầy đặn.
Những quyết định quan trọng nhất của nhà nước để vượt qua khó khăn đã lần lượt được ban hành. Năm 1986, quyết định thực hiện Đổi mới với ba chương trình kinh tế lớn: lương thực, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Năm 1991, quyết định tiếp nhận cơ chế kinh tế thị trường nhiều thành phần có sự quản lý của nhà nước. Năm 1994, quyết định thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Xuyên suốt đó là đường lối hội nhập sâu và rộng, Việt Nam như một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.
Từ năm 1990 trở đi, đời sống văn hóa được coi như một nhu cầu thiết yếu. Gia đình trung lưu đã có tivi, đầu video, xe máy... Những bộ phim hay của nước ngoài được chiếu tại cơ quan, các tụ điểm văn hóa. Rồi sau này, công nghệ của châu Âu du nhập, các cơ quan được trang bị những chiếc máy vi tính đầu tiên.
Để có sự thay đổi ấy, tất cả những quyết định ban ra đều không hề dễ dàng khi đứng dưới tư duy kinh tế bao cấp. Đơn cử, việc thực hiện chính sách giao đất của hợp tác xã cho hộ gia đình sử dụng lâu dài là một quyết định khá khó khăn vì đi ngược lại đường lối kinh tế tập thể.
Trong giai đoạn này, nhà nước đã đưa hàng vạn lao động xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Họ trở thành nguồn cung cấp chủ yếu hàng tiêu dùng về nước. Tôi đã gặp gỡ và hỏi chuyện khá nhiều cộng đồng người Việt này khi còn nghiên cứu khoa học ở Ba Lan. Họ làm việc 8 giờ tại các cơ sở sản xuất, thời gian còn lại thì bươn bả đi mua hàng, gửi hàng về nước. Họ đã lam lũ ở trời Âu chỉ vì lo cho cuộc sống của gia đình ở quê nhà. Cái giá phải trả không chỉ là mồ hôi, nước mắt mà nhiều khi cả máu và tính mạng.
Kể ra thì còn nhiều bi kịch lắm, nhưng nhờ đó mà dân tộc ta đã tiếp tục đi lên, tôi gọi là "những bi kịch lạc quan". Cho đến hôm nay, sau một chặng đường bước ra thế giới, chúng ta đã chiếm được lòng tin của họ. Người bạn cũ là Triều Tiên tin ta đã đành, nửa bên kia của bán đảo Triều Tiên - Hàn Quốc cũng rất tin vào chúng ta. Hơn nữa, Mỹ, từng là một cựu địch lịch sử, nay cũng coi Việt Nam là bạn. Lòng tin vốn là nền tảng cho mọi mối quan hệ bền vững, trên thương trường lẫn chính trường, từ quan hệ tầm quốc tế tới quốc gia, từ xã hội tới gia đình.
Hành trình dấn thân của Việt Nam theo xu hướng toàn cầu hóa đã sớm hơn rất nhiều so với các nước cùng cảnh ngộ sau khi nhận ra rằng toàn cầu hóa trong một thế giới đa cực là quy luật tất yếu, và dù ta chưa thể làm được hết mọi việc cần làm.
Có anh bạn luôn phàn nàn với tôi tại sao vẫn còn quá nhiều tiêu cực, tại sao không đổi mới mạnh hơn nữa. Tôi nói rằng cái gì cũng cần có thời gian, cần tới sự đóng góp xây dựng của cả anh và tôi. "Cậu thử hình dung xem, nếu ta cũng quyết định đóng cửa như Triều Tiên vào năm 1986 thì bây giờ sẽ thế nào?", tôi hỏi bạn.
May mà, ta đã quyết định thoát khỏi cô đơn.
Đặng Hùng Võ