Ngày 17/1, Mỹ và các nước phương Tây tuyên bố dỡ bỏ một loạt lệnh cấm vận quốc tế đối với Iran, sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Iran "đã thực hiện mọi biện pháp" đã được nhất trí theo thoả thuận hạt nhân lịch sử ký ngày 14/7 năm ngoái. Theo giới phân tích, việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận được áp đặt trong thời gian dài này sẽ giúp Iran vươn mình trở thành một cường quốc khu vực thực sự, cạnh tranh gay gắt với đồng minh của Mỹ là Arab Saudi.
Bình luận viên Samia Nakhoul của Reuters cho rằng các kẻ thù và đồng minh của Iran sẽ phải điều chỉnh đáng kể chính sách đối ngoại của mình, khi Tehran đang trở thành một thế lực đáng gờm mới từ sau thỏa thuận hạt nhân với phương Tây, và việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ càng nâng tầm Iran trên chính trường quốc tế.
Việc Iran nhanh chóng phóng thích các thủy thủ Mỹ đi lạc vào lãnh hải nước này hồi tuần trước đánh dấu một thời kỳ mới trong chính sách đối ngoại của Iran sau nhiều thập kỷ thù địch với phương Tây. Trước đây, Iran thường áp dụng chính sách giữ tù nhân để làm lá bài mặc cả với Mỹ, điển hình như vụ bắt giữ 52 con tin ở đại sứ quán Mỹ trong suốt 444 ngày sau cuộc cách mạng Hồi giáo.
"Việc các thủy thủ Mỹ được trả tự do nhanh như vậy là biểu hiện của sự xích lại gần nhau và một mối quan hệ mới giữa Tehran và Washington", ông Fawaz Gerges, chuyên gia Trung Đông tại Đại học Kinh tế London nhận định.
Theo ông Gerges, Iran là quốc gia có sức hút rất lớn cả về kinh tế và chính trị đối với Mỹ, bởi nước này có thể là một cường quốc khu vực không kém gì Arab Saudi, đồng minh chính hiện nay của Mỹ ở Trung Đông, và là một thị trường đang lên với tiềm năng tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ.
"Quan hệ mới này dựa trên nhận thức mới về vai trò trụ cột của Iran trong khu vực, và rằng Iran sẽ tồn tại lâu dài", chuyên gia này nói. Thế nên đối với Mỹ, Iran không còn là một "quốc gia rắc rối" mà đã trở thành một thế lực có thể đóng vai trò tích cực mang lại ổn định cho khu vực, giúp Mỹ "dập tắt đám cháy" đang bùng lên ở Trung Đông.
Tuy nhiên, quyền lực ngày càng lớn của Iran sẽ thách thức mạnh mẽ vị thế của một cường quốc khu vực khác là Arab Saudi, nước từ lâu đã ganh đua với Tehran về nhiều mặt, các chuyên gia phân tích cảnh báo. Các lãnh đạo Hồi giáo dòng Wahhabi Sunni ở Arab Saudi luôn coi người Shiite chiếm đa số ở Iran là "dân ngoại đạo", chẳng khác gì việc phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) phân biệt đối xử với người Shiite.
Theo bình luận viên Nakhoul, những năm gần đây, Arab Saudi đã phải kinh ngạc với thành công của Iran trong việc thành lập một "trục Shiite" kéo dài từ Iraq tới Syria và Lebanon, nơi đồng minh Hezbollah của Tehran cũng là lực lượng chính trị hùng mạnh nhất.
Riyadh cho rằng Tehran cũng đứng sau những bất ổn ở nước láng giềng Bahrain và phong trào Houthi theo dòng Shiite ở Yemen. Nước này cũng cho rằng Tehran đang khuấy động Tỉnh Đông của Arab Saudi, nơi chứa gần như toàn bộ dầu mỏ của vương quốc.
Việc Arab Saudi xử tử một giáo sĩ dòng Shiite nổi tiếng hồi đầu tháng đã khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi trông thấy. Theo giới phân tích, trước sự trỗi dậy của Iran, Arab Saudi có vẻ như đang phải ở thế thủ, đặc biệt là khi Vua Salman đang ngày càng trao nhiều quyền lực cho người con trẻ tuổi là Thái tử Mohammed bin Salman, theo các nhà phân tích Saudi.
"Nhiều người tin rằng Arab Saudi đang theo đuổi chính sách đối ngoại hỗn loạn, phản tác dụng với những nhà lãnh đạo thiếu kinh nghiệm và khôn ngoan. Người Saudi hành xử trong thế bị bao vây, phản ứng lại với các sự kiện một cách giận dữ và bất cẩn như thể đang ở bước đường cùng mà không có những tính toán lâu dài", ông Gerges nói.
Trong khi đó, Iran lại tin rằng mình là một "thế lực đang lên mà thế giới cần đến", và Tehran đang tận dụng rất tốt cơ hội trời cho, khi Mỹ tăng đáng kể lượng dầu sản xuất nội địa và ít phụ thuộc hơn vào dầu mỏ của Arab Saudi.
Các quan chức Arab Saudi thì cho rằng chính sách đối ngoại của mình là nhất quán, không phải do động cơ tôn giáo hay lý tưởng thúc đẩy. "Chúng tôi sẽ không cho phép Iran làm mất ổn định khu vực, gây hại tới các công dân của chúng tôi và đồng minh. Chúng tôi sẽ phản ứng nhằm đáp trả sự hung hăng của Iran", ngoại trưởng Arab Saudi Adel al-Jubeir tuyên bố hồi đầu tháng.
Chuyên gia Farhang Jahanpour thuộc Đại học Oxford thì cho rằng Arab Saudi cần phải thống nhất một cấu trúc an ninh khu vực với Iran và các quốc gia vịnh Persia khác. "Họ cần phải hợp tác với Iran, bởi nếu tình hình hiện nay tiếp diễn, họ sẽ là kẻ thua cuộc trước Tehran, và khu vực có thể chìm trong chiến sự suốt nhiều thập kỷ".
Tiến thoái lưỡng nan
Giới phân tích cho rằng để trở thành một cường quốc có tiếng nói quyết định trong khu vực, Iran đang phải đối mặt với một tình thế "tiến thoái lưỡng nan", khi những thành công mà nước này đạt được ở Trung Đông từ trước tới nay chủ yếu dựa trên khai thác sự chia rẽ giữa người Shiite và Sunni.
Quyền lực và ảnh hưởng của Iran gia tăng đáng kể tại Lebanon, Iraq và Syria, những quốc gia bị chia rẽ sâu sắc bởi xung đột quân sự hoặc các cuộc can thiệp từ nước ngoài. Tehran đã đạt được lợi ích của mình tại các quốc gia này khi bỏ qua các thể chế nhà nước và dựa vào các lực lượng dân quân kém ổn định hơn, thứ vũ khí chủ yếu để áp đặt ảnh hưởng của Iran.
Đây cũng chính là vấn đề mà Arab Saudi đang gặp phải, khi quyền lực của hoàng gia nước này chịu ảnh hưởng rất lớn từ mối quan hệ kình địch giữa người Shiite và người Sunni kéo dài nhiều thế kỷ qua.
Việc Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq năm 2003 và lật đổ chính phủ của người Sunni, thay thế bằng chính quyền của người Shiite thiểu số có quan hệ gần gũi với Iran đã khiến mâu thuẫn sắc tộc ở Trung Đông càng trở nên nóng bỏng.
Theo Ali al-Amin, chuyên gia phân tích người Lebanon, Arab Saudi tin rằng mối đe dọa thực sự đối với họ đến từ kình địch Iran, và cuộc chiến chống lại Iran sẽ củng cố nội bộ của nước này, với mục đích tập hợp người Hồi giáo dòng Sunni để bảo vệ chính quyền.
Chuyên gia này cho rằng để trở thành một cường quốc khu vực thực sự, Tehran cần phải nhận được sự chấp thuận của các quốc gia Trung Đông, những nước coi Iran như một thế lực hùng mạnh mang tính xây dựng, chứ không phải đại diện cho những chia rẽ và bất ổn.
"Vai trò của Iran luôn được xây dựng trên những chia rẽ trong xã hội chứ không phải thông qua các thể chế chính phủ. Quyền lực của Iran không thể tồn tại nếu không có khủng hoảng, bởi họ không có khả năng thiết lập sự ổn định thông qua quan hệ với các nhà nước láng giềng. Tất cả những gì họ đang làm ở Syria, Iraq và Lebanon hiện nay đều nằm ngoài khuôn khổ nhà nước", ông al-Amin nói.
Để có thể thuyết phục được các nước Arab tin vào vai trò cường quốc mới của mình, Iran cần phải có những nhượng bộ và chấp nhận vai trò ít hơn trong các vấn đề ở Iraq, Lebanon và Syria, các chuyên gia nhận định.
"Iran đã trở thành một cường quốc, nhưng để được cả khu vực thừa nhận là cường quốc, nước này phải thể hiện được vai trò của mình. Họ không thể tiếp tục sự hiện diện của mình ở Syria và Lebanon", nhà bình luận kỳ cựu người Lebanon Sarkis Naoum cho hay.
Chuyên gia phân tích Faisal al-Yafai của tờ The National ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho rằng Tehran cần phải xem xét lại sự hậu thuẫn của mình cho nhiều nhóm vũ trang trong khu vực. "Nếu Iran muốn thực sự trở thành một phần của cộng đồng quốc tế, họ phải tuân thủ các quy tắc của cộng đồng quốc tế", ông này nói.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng cộng đồng quốc tế không thể nào phủ nhận được vai trò và vị thế của Iran ở Trung Đông. "Người Iran đã thể hiện được sự thông minh, khả năng mặc cả và bày thế trận của mình. Iran đã tự xây dựng vị thế tay chơi lớn trong môi trường của chúng ta, và có khả năng trở thành thế lực đáng gờm trong nền kinh tế thế giới", chuyên gia Gerges nhấn mạnh.
Trí Dũng