Theo thống kê của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, hiện có 115 doanh nghiệp Nhà nước (không bao gồm doanh nghiệp chưa thoái vốn từ các năm trước) lên kế hoạch thoái vốn trong năm nay. Riêng nhóm 10 doanh nghiệp lớn nhất thuộc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước sẽ thu về khoảng 14.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến giữa tháng 4, chỉ có tám doanh nghiệp thoái vốn thành công và thu về khoảng 960 tỷ đồng. Hơn 1.260 tỷ đồng giá trị doanh nghiệp Nhà nước dự tính thoái vốn giai đoạn này chưa được thực hiện.
Nhóm phân tích cho rằng, đại dịch là nguyên nhân chính khiến số lượng doanh nghiệp và giá trị thoái đều kém hơn cùng kỳ. Ngoài ra, các chủ sở hữu không có chuyên môn trong quá trình định giá, xác định giá trị lịch sử, văn hóa doanh nghiệp.... và cung cầu không thuận lợi cũng khiến quá trình thoái vốn chậm lại.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp đã niêm yết thuộc sở hữu Nhà nước và đang có kế hoạch thoái vốn năm nay được đánh giá không cao. Với mức giá giao dịch trên thị trường chỉ vài nghìn đồng và hoạt động quan hệ đầu tư không được chú trọng, khả năng thu hút sự quan tâm và tìm kiếm người mua lại thấp.
Nhà nước đang sở hữu khoảng 35,3% tổng giá trị vốn hóa các doanh nghiệp niêm yết trên sàn. Nhóm phân tích cho rằng việc thoái vốn giúp tăng thanh khoản và hỗ trợ thị trường chứng khoán trong giai đoạn này, nhưng thực tế có thể vẫn khó như giai đoạn 2017-2019.
Phương Đông