Theo thống kê của Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam về hoạt động cổ phần hoá giai đoạn từ 2005 đến nay, chỉ hơn 64% doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá đăng ký lên sàn chứng khoán trong 90 ngày theo quy định. Tỷ lệ thoái vốn nhà nước thành công 100% so với kế hoạch cũng chỉ đạt khoảng phân nửa. Tình trạng chậm cổ phần hoá và thoái vốn xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu liên quan đến thời gian xử lý đất đai và kiểm kê tài sản.
Dù vậy, hoạt động này vẫn là lời giải khả thi cho bài toán tăng quy mô thị trường chứng khoán và thu hút dòng vốn ngoại trong bối cảnh nhiều cổ phiếu đã kín room. Sau giai đoạn đẩy mạnh cổ phần hoá vào năm 2007-2008, thanh khoản thị trường năm 2009 tăng đến 226%, lên trên 1.600 tỷ đồng mỗi phiên.
Tốc độ tăng trưởng quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận... của doanh nghiệp có phần chậm lại sau cổ phần hoá vì mất khoảng 2 năm để tái cơ cấu. Bù lại, chất lượng tài chính và hiệu quả hoạt động được cải thiện đáng kê. ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) trung bình 3 năm sau cổ phần hoá và thoái vốn đạt 15,4%, tăng cao so với 12,4% của giai đoạn trước đó. ROA (tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản) cũng nhích nhẹ từ 1,5% lên 1,6% sau thoái vốn.
Theo nhận định của Yuanta Việt Nam, hoạt động cổ phần hoá thời gian tới sẽ sôi nổi hơn khi Thủ tướng yêu cầu 93 doanh nghiệp phải hoàn tất quá trình cổ phần hoá trong năm nay. Hai thương vụ được giới đầu tư chờ đợi nhất là Mobifone và Agirbank, nhưng khả năng kết thúc trong năm nay khó xảy ra. Trong khi đó, hoạt động thoái vốn nhà nước có thể ảm đạm hơn vì thị trường chứng khoán đang đối mặt nhiều rủi ro từ các yếu tố bên ngoài.
Phương Đông