Nhà Trắng ngày 25/3 thông báo cả Nga và Ukraine đã nhất trí với thỏa thuận hạn chế hành động quân sự ở Biển Đen, sau các cuộc đàm phán con thoi dưới sự trung gian của Mỹ diễn ra ở Arab Saudi.
Phần quan trọng của thỏa thuận là tìm cách đảm bảo an toàn hàng hải và ngăn các cuộc tấn công trên Biển Đen, vùng biển có tầm quan trọng chiến lược với cả Nga và Ukraine trong hơn ba năm xung đột. Theo thỏa thuận, Nga và Ukraine về cơ bản sẽ được nối lại quyền tiếp cận không hạn chế các cảng biển quan trọng với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc cùng những sản phẩm nông nghiệp khác.
Tuy nhiên, Moskva cho biết họ sẽ chỉ tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn trên Biển Đen sau khi Nga được dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với ngân hàng nông nghiệp nhà nước Rosselkhozbank và các tổ chức tài chính liên quan tới thương mại quốc tế về thực phẩm, thủy sản và phân bón.
"Điều này bao gồm việc Rosselkhozbank được kết nối với Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT)", Điện Kremlin cho hay.
Các ngân hàng Nga đã bị loại khỏi SWIFT, mạng lưới bảo mật cao kết nối hàng nghìn tổ chức tài chính trên khắp thế giới, như một phần trong sóng trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Moskva vì chiến sự Ukraine. Đây được coi là một trong những biện pháp trừng phạt nặng nề nhất nhắm vào hệ thống thanh toán toàn cầu của Nga.
Sau các cuộc đàm phán con thoi, Mỹ thông báo sẽ giúp Nga tăng cường xuất khẩu nông sản và khôi phục khả năng tiếp cận các hệ thống thanh toán quốc tế. Kirill Dmitriev, đặc phái viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin về hợp tác kinh tế và đầu tư, ca ngợi kết quả đàm phán là "bước tiến lớn hướng tới hòa bình, đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu và nguồn cung ngũ cốc thiết yếu cho hơn 100 triệu người".
Tuy nhiên, động thái này nhanh chóng vấp phải chỉ trích từ Ukraine, khi Kiev coi đây là sự nhượng bộ đơn phương đối với yêu cầu của Moskva. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev không được tham vấn về đề xuất "mở khóa" cho ngân hàng Nga và sẽ không ủng hộ nó.
"Đây là động thái nhượng bộ của Mỹ với yêu cầu từ Nga", Tymofiy Mylovanov, cựu bộ trưởng kinh tế Ukraine và hiện là lãnh đạo Đại học Kinh tế Kiev, nhận định.

Tàu chở hàng Despina V chở ngũ cốc của Ukraine ở Biển Đen, ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ, tháng 11/2022. Ảnh: Reuters
Kể từ khi xung đột bùng phát năm 2022, Nga thường tuyên bố họ gặp khó khăn về tiếp cận thị trường xuất khẩu nông sản do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Các quan chức phương Tây trước đây phản bác rằng họ không áp biện pháp trừng phạt chính thức nào đối với lĩnh vực này và xuất khẩu của Nga vẫn ở mức cao.
Các cuộc đàm phán con thoi giữa Mỹ và hai phái đoàn Nga, Ukraine tại Riyadh, Arab Saudi diễn ra chưa đầy hai năm sau khi Nga đơn phương rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen với Ukraine, tuyên bố rằng yêu cầu của Nga về nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này không được đáp ứng.
Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen là sáng kiến do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, nhằm giảm giá lương thực toàn cầu tăng vọt sau khi xung đột Ukraine bùng phát. Chiến sự đã khiến Ukraine không thể xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, khiến thị trường lương thực thế giới mất đi một nhà cung cấp lớn.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay nối lại xuất khẩu qua Biển Đen là ưu tiên chính của Điện Kremlin trong các cuộc đàm phán tại Riyadh tuần này. "Chúng tôi ủng hộ nối lại Sáng kiến Biển Đen dưới một số hình thức dễ chấp nhận hơn cho tất cả các bên", ông nói, thêm rằng mục đích là giúp thị trường ngũ cốc và phân bón giảm bất ổn.
Ông Lavrov nói Nga rất lo ngại về tình hình lương thực ở châu Phi và các nước Nam bán cầu bị ảnh hưởng vì "canh bạc của phương Tây".
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảm thấy bối rối trước đề xuất của Mỹ về việc giúp Nga tăng cường xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp qua Biển Đen, lưu ý rằng dù thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen trước đó sụp đổ năm 2023, cả Ukraine và Nga vẫn có cách xuất khẩu ngũ cốc của họ.
Andrey Sizov, giám đốc điều hàng tại công ty nghiên cứu SovEcon chuyên theo dõi thị trường ngũ cốc Biển Đen, ngày 25/3 nói rằng thông báo của Mỹ "gây bất ngờ" khi xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga đã đạt "mức cao kỷ lục" kể từ khi xung đột bùng phát. Dữ liệu của SovEcon cho thấy xuất khẩu ngũ cốc Nga trong mùa vụ 2023-2024 là 71 triệu tấn, cao hơn nhiều so với con số 42 triệu tấn trong mùa vụ 2021-2022.
Dù giá lương thực toàn cầu tăng vọt năm 2022, chúng đã giảm đi nhiều kể từ đó, theo thống kê của LHQ. Sizov cho biết ông không nghĩ đề xuất của Mỹ ngày 25/3 có thể tác động tới giá lương thực toàn cầu.
"Điều này giống như một nhượng bộ khác cho Moskva", Sizov viết trên X, thêm rằng động thái trên có thể cho thấy biện pháp trừng phạt của Mỹ với Rosselkhozbank sẽ sớm được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, Sizov lưu ý rằng đề xuất của Mỹ quá mơ hồ và "khó có thể biết liệu đây có phải là nhượng bộ thực sự hay không". Ông thêm rằng để nới lỏng các biện pháp trừng phạt như quyền tiếp cận SWIFT cho ngân hàng Nga, Mỹ sẽ cần sự hợp tác của các đồng minh châu Âu.
"Chúng tôi tin điều đó sẽ làm suy yếu vị thế của Ukraine cũng như nỗ lực trừng phạt Nga của phương Tây", Tổng thống Zelensky nói.
Điện Kremlin từ lâu tìm cách dỡ các biện pháp hạn chế tài chính, vốn là trọng tâm nỗ lực trừng phạt của phương Tây.
"Mục tiêu của ông Putin rất rõ ràng. Ông ấy muốn thuyết phục Tổng thống Trump dỡ các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng và công ty năng lượng Nga, cho phép Điện Kremlin tăng nguồn thu từ xuất khẩu", Edward Fishman, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Columbia và từng là cựu quan chức cấp cao về biện pháp trừng phạt của Mỹ, nhận định.
Tuy nhiên, Fishman lưu ý "tuyên bố của Nga cho thấy họ mong muốn nhiều hơn về nới lỏng lệnh trừng phạt so với tuyên bố của Mỹ".

Vị trí Biển Đen. Đồ họa: Wikipedia
Daniel Fried, nhà ngoại giao về hưu hiện làm việc tại tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương ở Mỹ, nhận định rằng thỏa thuận thúc đẩy xuất khẩu qua Biển Đen mang lại nhiều lợi ích cho Nga, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy Ukraine được hưởng lợi.
Trong ba năm xung đột, Ukraine đã phát triển các loại tên lửa diệt hạm và xuồng không người lái tự sát hiện đại, liên tục tập kích tàu chiến Nga trên Biển Đen và tự đảm bảo an ninh cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của họ trên vùng biển này.
Bởi vậy, thỏa thuận dừng tập kích trên Biển Đen dường như chỉ mang lại lợi ích cho Nga. Trong khi đó, chưa thể xác định liệu thỏa thuận có đồng nghĩa Nga sẽ dừng tấn công các cảng ở Biển Đen của Ukraine hay không, điều mà Kiev mong muốn có trong bất kỳ thỏa thuận nào.
"Nga đã có những bước đi đầy tính toán trong quá trình này", Fried nói.
Giới quan sát cho rằng ngay cả trước khi ngồi vào bàn đàm phán ở Riyadh, Nga đã tìm cách làm giảm bất kỳ kỳ vọng nào về lệnh ngừng bắn toàn diện hoặc hòa bình lâu dài. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 24/3 cũng cho rằng sẽ thiếu thực tế khi trông đợi một bước đột phá sau cuộc đàm phán ở Arab Saudi.
"Thời gian đứng về phía chúng tôi và chúng tôi sẽ cố gắng tận dụng nó tối đa", một nhà ngoại giao Nga nói với Moscow Times. Một quan chức khác nói rằng Moskva đã yêu cầu các nhà đàm phán của họ tại Arab Saudi "cẩn thận tới từng dấu phẩy".
"Chúng tôi đã nói về mọi thứ, đó là cuộc đối thoại căng thẳng và không dễ dàng, nhưng rất hữu ích cho chúng tôi và người Mỹ. Tất nhiên, chúng tôi còn lâu mới giải quyết xong mọi thứ", Grigory Karasin, trưởng đoàn đàm phán Nga, nói với TASS.
Thùy Lâm (Theo Washington Post, WSJ, Moscow Times, Guardian)