Câu chuyện đăng trên Atlas Obscura ngày 6/6 với tựa đề "Cuộc thảm sát chuột ở Hà Nội năm 1902 không diễn ra đúng kế hoạch".
Năm 1897, Paul Doumer - nhân viên chính phủ Pháp 40 tuổi đến Hà Nội. Ông rời bỏ sự nghiệp bộ trưởng tài chính sau thất bại lớn của kế hoạch về thuế thu nhập mới và được đề nghị giữ chức Toàn quyền Đông Dương - một nhóm thuộc địa Pháp ở Đông Nam Á bao gồm Việt Nam.
Doumer bắt đầu trang bị cho Đông Dương, đặc biệt là thủ đô Hà Nội, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại với mục đích thể hiện sự thịnh vượng của nước Pháp. Bước sang thế kỷ mới, nhà của một tên thực dân Pháp điển hình ở Hà Nội nằm trên đại lộ thênh thang với những hàng cây tít tắp. Ngôi biệt thự rộng rãi có nhiều phòng nghỉ, chứa nội thất tốt từ châu Âu, và đáng chú ý hơn cả - có toilet.
Còn cách gì tốt hơn để phân biệt Hà Nội thuộc Pháp với Hà Nội cũ ngoài toilet, Doumer nghĩ. Hệ thống cống rãnh lớn chạy dưới mặt đất của thành thị ở Pháp và hệ thống nhỏ hơn phục vụ những khu dân cư đông đúc ở Việt Nam chính là biểu tượng của sự sạch sẽ và tiến bộ.
Do vậy, ông hoàn toàn mất tinh thần khi chuột bắt đầu xuất hiện ở các cống rãnh.
Khi chính quyền thuộc địa do Doumer làm chủ đặt hơn 9 dặm ống cống bên dưới lòng đất Hà Nội, vô tình 9 dặm thiên đường mát mẻ của loài gặm nhấm gây hại cũng được tạo ra, nơi chúng thoải mái sinh sôi nảy nở mà không e sợ bất cứ động vật ăn thịt nào. Nếu đói, chúng dễ dàng xâm nhập trực tiếp vào những căn hộ sang trọng nhất trong thành phố qua "xa lộ" ẩn sâu bên dưới những bước chân con người. Cứ thế, chuột phát triển theo cấp số nhân, dần tràn lên cả mặt đất.
Như thể điều đó chưa đủ để phá vỡ ảo tưởng của những kẻ thực dân về hình ảnh châu Âu yên bình giữa lòng châu Á, bệnh dịch hạch bắt đầu xuất hiện và chuột bị nghi là thủ phạm khiến bệnh lây lan.
Để giải quyết tình trạng bùng phát của bệnh dịch, một giải pháp được đưa ra. Những thợ săn chuột Việt Nam được chính phủ thuê chui xuống cống để bắt tận tay từng con chuột, tiền công được trả theo số lượng.
Cuộc "thảm sát" chuột ở Hà Nội nhanh chóng diễn ra. Trong tuần cuối cùng của tháng 4 năm 1902, 7.985 con chuột đã bị giết - đó mới là khởi đầu. Các "sát thủ" tiếp tục tích lũy kinh nghiệm trong tháng 5, đẩy số chuột chết lên đến hơn 4.000 con mỗi ngày. Con số này càng lúc càng trở nên đáng kinh ngạc. Chỉ ngày 30/5, 15.041 con chuột bị kết liễu. Đến tháng 6, số chuột bị giết mỗi ngày đạt mốc 10.000, đỉnh điểm là 22.112 vào ngày 21/6.
Chúng ta không biết chính xác chuột bị giết theo cách nào, chi tiết đó đã bị mất đi theo dòng lịch sử. Chúng ta chỉ biết về cuộc săn chuột này bởi trong những năm 90, sử gia Michael Vann khi nghiên cứu về chủ nghĩa thực dân Pháp đã phát hiện ra tập tài liệu "Cuộc tiêu diệt động vật: Chuột".
Bên trong tập tài liệu là một số giấy tờ lộn xộn, khó hiểu, ghi lại danh sách số lượng chuột bị tiêu diệt ở Hà Nội ở giai đoạn vừa bước sang thế kỷ mới. Điều gì đã xảy ra với những con chuột tội nghiệp? Vann bị hấp dẫn bởi tài liệu này và quyết định tìm hiểu câu chuyện.
Săn chuột không hề dễ. Đây là những gì Vann viết lại: "Người ta phải thâm nhập vào hệ thống cống rãnh tối tăm, chật chội, đi xuyên qua rác thải của con người ở nhiều hình thức phân hủy và săn lùng loài động vật hoang dã khá hung dữ, có thể bao gồm cả bọ chét mang bệnh dịch hạch hay các loại bệnh truyền nhiễm khác. Đó thậm chí chưa đề cập đến khả năng tồn tại động vật nguy hiểm khác như rắn, nhện và các sinh vật khiến tác giả lo sợ đến nổi da gà".
Cuối cùng, chính quyền thực dân nhận ra họ không thể giảm bớt số lượng chuột đang sinh sôi với việc sử dụng đội quân diệt chuột quy mô nhỏ.
Họ chuyển sang kế hoạch B, đề nghị tất cả người dân tham gia cuộc đi săn. Phần thưởng được đưa ra là một xu cho mỗi con chuột. Những gì bạn phải làm là gửi đuôi chuột đến văn phòng thành phố để chứng minh và nhận thưởng. Bằng cách đó, chính phủ sẽ không bị ngập trong xác của những con chuột còn nguyên. "Tôi luôn thắc mắc không biết ai là người khốn khổ phải đếm những chiếc đuôi chuột đó", ông Vann nói.
Người Pháp khi đó đặc biệt hài lòng với phương án này bởi họ đang khuyến khích chủ nghĩa kinh doanh ở Việt Nam. Lúc đầu, mọi chuyện có vẻ khá hiệu quả. Những chiếc đuôi chuột liên tục được chuyển về.
Tuy nhiên, cảnh tượng gây tò mò bắt đầu diễn ra khắp thành phố: Những con chuột còn sống chạy loanh quanh, nhưng không có đuôi.
Hóa ra những thợ săn chỉ cắt cụt đuôi thay vì bắt cả một con chuột khỏe mạnh, đối tượng có khả năng sinh sản và có thể tạo ra rất nhiều con chuột khác - những con chuột mà đuôi của nó mang lại giá trị. Một số báo cáo còn chỉ ra người Việt buôn lậu chuột từ nước ngoài vào thủ đô. Giọt nước tràn ly khi các thanh tra y tế phát hiện những trang trại nuôi chuột mọc lên ở ngoại ô Hà Nội.
Rõ ràng đây không phải là ý nghĩa về kinh doanh mà người Pháp nghĩ đến. Khoản tiền thưởng bị hủy bỏ, những cư dân trong thành phố "từ chức" thợ săn để sống chung với chuột.
Tuy vậy, người Pháp đã phán đoán chính xác về nguyên nhân lây lan bệnh dịch hạch. Năm 1906, với những con chuột còn sót lại trong ống cống, dịch bệnh bùng phát ở Hà Nội. Ít nhất 263 người chết, hầu hết là người Việt Nam. Trong khi đó, Doumer đã trở về Pháp, nơi ông được hoan nghênh là vị Toàn quyền Đông Dương hiệu quả nhất lúc bấy giờ. Sau đó, ông trở thành tổng thống Pháp.
"Đó là câu chuyện đạo đức về sự kiêu ngạo của những con người hiện đại, khi đặt quá nhiều niềm tin vào khoa học và lý trí, sử dụng kinh doanh để giải quyết mọi vấn đề. Đây cũng chính là lối tư duy dẫn tới chiến tranh thế giới thứ nhất - những người cầm đầu nghĩ rằng súng máy giết người rất hiệu quả nên sẽ khiến cuộc chiến kết thúc nhanh. Những gì thật sự xảy ra là một cuộc chiến tranh kéo dài, khiến rất nhiều người thiệt mạng", Vann nói.
Ngày nay, cuộc "thảm sát" chuột ở Hà Nội được xem là ví dụ điển hình của "hiệu ứng rắn hổ mang", một thuyết kinh tế ám chỉ việc khuyến khích điều gì đó trong một hệ thống phức tạp có thể dẫn đến hậu quả khó lường như thế nào.
"Hãy cảnh giác với những chương trình được tạo ra trong hoàn cảnh sự ngạo mạn thể hiện quá rõ rệt và chênh lệch quyền lực quá lớn, khi đó dấu hiệu hiển nhiên của vấn đề có thể bị lờ đi", nhà sử học rút ra bài học.
Năm 1997, Vann đến Việt Nam để nghiên cứu tài liệu về cuộc thảm sát chuột. Một ngày nọ, ông với tay đến ngăn kéo trên cùng chứa các tài liệu bằng tiếng Pháp trước năm 1954 và cảm thấy một con chuột lướt nhanh qua tay mình. Đã một thời gian dài kể từ khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, chuột vẫn tồn tại.
Theo trang Psychology Today, thuật ngữ "hiệu ứng rắn hổ mang" (Cobra Effect) do nhà kinh tế học Horst Siebert người Đức đặt, có nguồn gốc từ Ấn Độ thời thuộc Anh. Chính phủ Anh khi đó lo ngại về số lượng rắn hổ mang độc ở Delhi, do đó đề nghị thưởng tiền cho mỗi con rắn hổ mang bị bắt giết. Chiến lược thành công lúc ban đầu, tuy nhiên sau đó nhiều người nghĩ đến việc tăng thu nhập bằng cách nuôi rắn hổ mang. Khi chính phủ phát hiện, chương trình treo thưởng bị hủy bỏ, quần thể rắn hổ mang hoang dã tiếp tục bành trướng. |