Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler tháng 11 năm ngoái cho biết Ankara đang đàm phán để mua 40 chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon do Anh, Tây Ban Nha, Italy và Đức hợp tác phát triển. Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này muốn mua tiêm kích châu Âu để thay thế thương vụ F-16 từ Mỹ, do Washington đã trì hoãn bán dòng máy bay này cho Ankara trong nhiều năm qua.
Thương vụ được khai thông vào tuần trước, sau khi quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu phê chuẩn nghị định thư gia nhập NATO của Thụy Điển, điều kiện mà Washington đề ra để chấp thuận bán F-16 cho Ankara.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26/1 đã phê duyệt hợp đồng tiềm năng trị giá 23 tỷ USD để cung cấp tối đa 40 tiêm kích đa năng F-16C/D Block 70, cùng phụ tùng, thiết bị kỹ thuật và hỗ trợ huấn luyện. Nếu không gặp sự phản đối từ quốc hội, thương vụ sẽ được trình lên Tổng thống Joe Biden ký phê duyệt.
Reuters ngày 1/2 dẫn lời một quan chức quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Ankara vẫn muốn theo đuổi thương vụ mua tiêm kích Eurofighter Typhoon, dù nước này tin tưởng quốc hội Mỹ sẽ không chặn hợp đồng bán F-16. "Chúng tôi vẫn quan tâm và hy vọng Đức sẽ có quan điểm tích cực về thương vụ này", quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã được Anh và Tây Ban Nha "bật đèn xanh" cho thương vụ Eurofighter Typhoon, song Đức tới nay chưa đồng ý. Berlin có quyền phủ quyết các thương vụ bán mẫu tiêm kích này với tư cách là một trong 4 nước đồng phát triển.
Đức không công khai lý do từ chối bán tiêm kích cho Thổ Nhĩ Kỳ, song quan hệ giữa hai nước đang căng thẳng sau khi Ankara mua hệ thống phòng không S-400 của Nga và lên án hoạt động quân sự của Israel ở Dải Gaza.
Bộ trưởng Quốc phòng Guler tháng 12 năm ngoái chỉ trích mạnh mẽ việc Đức chặn thương vụ bán Eurofighter Typhoon, khẳng định "không có lời giải thích thỏa đáng nào" cho việc một quốc gia NATO như Berlin từ chối bán vũ khí cho thành viên khác của khối.
Eurofighter Typhoon là tiêm kích đa nhiệm hai động cơ, ra mắt vào năm 2001, có tốc độ tối đa 2.495 km/h, trần bay tối đa gần 17.000 m, tầm hoạt động 1.390 km và có thể mang theo hơn 9 tấn vũ khí.
Ngoài dòng Typhoon và F-16, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ có thêm một lựa chọn nữa trong thời gian tới. Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland hôm 30/1 cho biết Washington sẽ cân nhắc cho phép Ankara tham gia trở lại dự án F-35, nếu nước này đồng ý từ bỏ các hệ thống phòng S-400 mua từ Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu đặt hàng hơn 100 tiêm kích tàng hình F-35A do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo, nhưng bị loại khỏi dự án vào năm 2019 sau khi mua tổ hợp S-400 do Moskva sản xuất.
Phạm Giang (Theo Reuters, CNN, Daily Sabah)