Phát biểu sau cuộc họp nội các ngày 23/5, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói chiến dịch quân sự sẽ được tiến hành nhằm kết nối hai khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm soát trên lãnh thổ Syria để tạo "vành đai an toàn" dọc biên giới.
"Chúng tôi sẽ sớm thực hiện các bước đi mới nhằm hoàn thành dự án còn dang dở trong nỗ lực tạo vành đai an toàn rộng 30 km dọc biên giới phía nam", ông nói.
Tổng thống Erdogan không cung cấp thêm thông tin chi tiết, nhưng cho biết chiến dịch sẽ bắt đầu sau khi quân đội, tình báo và an ninh Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất công tác chuẩn bị.
Khu vực Thổ Nhĩ Kỳ muốn mở chiến dịch quân sự là nơi đang do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), với nòng cốt là dân quân người Kurd (YPG), kiểm soát.
Thổ Nhĩ Kỳ xem YPG là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK), nhóm mà Ankara coi là tổ chức khủng bố. PKK đã tiến hành cuộc nổi dậy vũ trang chống Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984 và hàng chục nghìn người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này.
Đáp lại tuyên bố của ông Erdogan, SDF cho biết sẽ không có "thay đổi chiến lược" nào ở phía bắc Syria và cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng "phá hoại sự ổn định" trong khu vực.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành ba chiến dịch tấn công lớn vào miền bắc Syria từ năm 2016, kiểm soát nhiều khu vực dọc biên giới hai nước mà họ tuyên bố là nhằm chống lại các mối đe dọa từ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và YPG.
Nhiều nhóm hoạt động nhân quyền đã chỉ trích các chiến dịch quân sự trước đây của Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc Syria. Đợt tấn công lớn gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến hàng nghìn dân thường phải sơ tán. Năm 2020, Liên Hợp Quốc thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ điều tra "các tội ác chiến tranh có thể xảy ra" do các nhóm vũ trang gây ra trong khu vực mà nước này kiểm soát.
Bình luận mới của ông Erdogan được đưa ra khi Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, cáo buộc hai nước hỗ trợ PKK và các nhóm "khủng bố" khác liên quan đến dân quân người Kurd.
Thụy Điển và Phần Lan, cùng nhiều nước châu Âu khác, đã áp biện pháp hạn chế về mua bán thiết bị quân sự với Ankara sau chiến dịch quân sự nước này phát động ở Syria năm 2019. Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích gay gắt động thái này của các nước châu Âu.
Đầu tháng này, ông Erdogan nói Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng ở miền bắc Syria để tiếp nhận hàng triệu người tị nạn nước này, khi cuộc tranh luận về khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa ngã ngũ.
Thanh Tâm (Theo Al Jazeera)