Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ ngày 31/8 thông báo tàu thăm dò Oruc Reis sẽ tiếp tục hoạt động khảo sát địa chấn, thăm dò dầu khí tại vùng biển tranh chấp với Hy Lạp ở phía đông Địa Trung Hải đến ngày 12/9, thêm 11 ngày so với kế hoạch dự kiến ban đầu kết thúc vào ngày 1/9.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đối thoại và yêu cầu Ankara không có những bước đi đơn phương làm gia tăng căng thẳng ở đông Địa Trung Hải.
Hy Lạp, quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), cũng đã lên tiếng chỉ trích hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là "bất hợp pháp", đồng thời kêu gọi chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan giảm bớt căng thẳng và nỗ lực vì sự ổn định của khu vực.
Bộ Ngoại giao Hy Lạp cũng khẳng định sẽ tìm kiếm các thỏa thuận hàng hải với các nước láng giềng dựa trên luật pháp quốc tế và luật biển.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp nhiều tuần gần đây xảy ra tranh cãi về hoạt động thăm dò của tàu Oruc Reis tại khu vực ngoài khơi các đảo của Hy Lạp ở phía đông Địa Trung Hải. Cả hai nước đã thực hiện hàng loạt cuộc tập trận ở vùng biển giữa đảo Cyprus và đảo Crete của Hy Lạp, làm dấy lên nhiều lo ngại leo thang tranh chấp ở khu vực.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm nay cho biết quốc gia này sẵn lòng đối thoại với Hy Lạp để tìm cách chia sẻ công bằng nguồn tài nguyên ở khu vực tranh chấp.
Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Algeria, ông Cavusoglu cũng cáo buộc Hy Lạp có "hành động khiêu khích" trong khu vực với sự hậu thuẫn của EU, tổ chức đe dọa áp lệnh trừng phạt với Ankara.
"Chúng tôi ủng hộ giải pháp chung, bao gồm đàm phán với tất cả các bên ở phía đông Địa Trung Hải, để tất cả đều được hưởng lợi ích từ nguồn tài nguyên ở khu vực này một cách công bằng, hoặc chia sẻ một cách công bằng", Cavusoglu nói.
Thanh Tâm (Theo Al Jazeera)