Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik ngày 18/11 xác nhận nước này đang đàm phán để mua hệ thống phòng không tối tân S-400 của Nga và nhận được phản hồi tích cực từ đối tác, theo RT.
Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến chi 3,4 tỷ USD để mua các tổ hợp phòng không hiện đại, cũng như công nghệ để tự phát triển hệ thống lá chắn tên lửa. Trong cuộc đấu thầu năm 2013, nước này đã lựa chọn hệ thống FD-2000 của Trung Quốc, thay vì S-400 Nga, SAM-P/T châu Âu hay Patriot PAC-3 Mỹ.
Hợp đồng này từng khiến nhiều nước NATO lo ngại về khả năng đồng bộ hệ thống giữa các quốc gia trong khối. Thổ Nhĩ Kỳ quyết định hủy đơn hàng với Trung Quốc vào năm 2015, với lý do được cho là Ankara và Bắc Kinh không thể thỏa thuận điều khoản chuyển giao công nghệ, yếu tố then chốt giúp Thổ Nhĩ Kỳ phát triển nền công nghiệp quốc phòng nội địa.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng hợp đồng mua FD-2000 là con bài để Ankara có lợi thế hơn khi đàm phán với các nhà sản xuất từ Mỹ và châu Âu.
"Một quốc gia phải dựa vào NATO để thu thập hơn 50% dữ liệu radar khó có thể đầu tư hàng tỷ USD vào hệ thống tên lửa không đồng bộ với cơ sở hạ tầng có sẵn", theo nhà nghiên cứu quân sự Mustafa Kibaroglu và Selim Sazak.
Thổ Nhĩ Kỳ không sở hữu hệ thống phòng thủ chống tên lửa, do vậy nước này phải dựa vào lá chắn của NATO. Vào tháng 8 năm ngoái, Ankara đã rất giận dữ khi Mỹ rút các tổ hợp Patriot khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Các bệ phóng Patriot này được triển khai từ năm 2013 để bảo vệ khu vực biên giới của nước thành viên NATO.
Xem thêm: Chiến hạm Mỹ suýt đắm vì máy bay dân dụng Iraq như thế nào
Tử Quỳnh