Tổ hợp S-400 khai hỏa.
Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã đặt mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf trị giá 2,5 tỷ USD của Nga, Bloomberg hôm 13/7 đưa tin.
Quan chức giấu tên này nói rằng hai tổ hợp S-400 đầu tiên sẽ được Nga bàn giao vào năm 2018, còn hai tổ hợp tiếp theo sẽ được sản xuất trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đại diện tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport chưa đưa ra bình luận nào về tuyên bố này.
Thổ Nhĩ Kỳ từng định mua hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 từ Trung Quốc, nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt từ khối NATO và buộc phải từ bỏ ý định. Là thành viên của khối quân sự này kể từ năm 1952, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là tiền đồn quan trọng của phương Tây do nằm gần biên giới Nga.
Tuy nhiên, điều này đang dần thay đổi vì căng thẳng gần đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây. Mỹ liên tục ủng hộ và viện trợ quân sự cho dân quân người Kurd ở Syria, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là lực lượng khủng bố. Đức mới đây rút các đơn vị phòng không khỏi sân bay Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi nước này không cho phép quan chức Đức đến thăm binh sĩ đồn trú tại đây.
"Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng đã quá thất vọng với Mỹ và các nước châu Âu", chuyên gia Konstantin Makienko thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga (CAST) nhận định. Tuy nhiên, ông Makienko cho rằng chưa thể chắc chắn điều gì về hợp đồng S-400 cho đến khi quá trình thanh toán và chuyển giao bắt đầu.
S-400 không tương thích với tiêu chuẩn vũ khí chung của NATO, khiến Thổ Nhĩ Kỳ không thể tích hợp nó vào hệ thống phòng không của các nước đồng minh. Tuy nhiên, hợp đồng với Nga lại cho phép Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu công nghệ chế tạo tên lửa, điều mà nước này đang rất cần.
Ông Makienko cho rằng Ankara sẽ không được Nga chuyển giao toàn bộ công nghệ S-400, Moscow vẫn nắm giữ những kỹ thuật quan trọng nhất để đảm bảo bí mật. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ phải tự xây dựng cả một nền công nghiệp quốc phòng mới chỉ để sao chép được S-400.
Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hệ thống S-400 mua từ Nga sẽ không có hệ thống nhận biết địch - ta, giúp nó đối phó bất kỳ mối đe dọa nào, dù là từ Nga hay NATO.
Lã Linh