Chính phủ Hy Lạp cho biết sự việc xảy ra hôm 3/5 khi hai tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ áp sát trực thăng chở Bộ trưởng Quốc phòng Nikos Panagiotopoulos và Tổng tham mưu trưởng quân đội Konstantinos Floros khi họ thăm đảo Oinousses gần ranh giới trên biển giữa hai nước.
Tiêm kích Hy Lạp đã xua đuổi chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng truyền thông địa phương cho biết biên đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn lượn trên đảo Oinousses trong suốt chuyến thăm của các quan chức quốc phòng Hy Lạp.
"Đây lại là dấu hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên vượt quá giới hạn luật pháp quốc tế cũng như các quy tắc về láng giềng tốt", phát ngôn viên chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas hôm qua cho biết, lên án "hành động gây hấn" của Ankara.
"Những động thái của Thổ Nhĩ Kỳ không giúp giảm căng thẳng, điều mà hai nước cần theo đuổi trong thời điểm này", Bộ trưởng Panagiotopoulos nói. Quân đội Hy Lạp cũng gọi vụ áp sát là không thể chấp nhận, cho rằng nó thể hiện "vai trò tiêu cực của Ankara trong khu vực".
Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ mọi cáo buộc, cho rằng biên đội tiêm kích chỉ đang thực hiện chuyến bay định kỳ. "Leo thang căng thẳng bằng cách kịch tính hóa những hoạt động thông thường sẽ không mang lại lợi ích nào. Những vấn đề đó đáng lẽ phải được đề cập trong quá trình xây dựng lòng tin giữa quân đội hai nước", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy cho hay.
Căng thẳng giữa hai quốc gia thành viên NATO gần đây gia tăng, đặc biệt sau khi Thổ Nhĩ Kỳ triển khai dự án khoan dầu gần đảo Cyprus khiến Hy Lạp, Ai Cập và nhiều nước châu Âu phản đối. Athens và Ankara cũng có tranh chấp chủ quyền ở vùng biển Aegea nằm giữa hai nước. Tiêm kích hai bên đã vờn nhau tới 16 lần trên vùng trời tranh chấp ở biển Aegea chỉ trong ngày 17/12/2019.
Tàu chiến Hy Lạp từng áp sát, cắt mặt tàu hộ vệ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tập trận lớn nhất của Ankara hồi tháng 5/2019. Tiêm kích Mirage 2000 Hy Lạp hồi cuối năm 2018 cũng mang tên lửa diệt hạm khóa mục tiêu vào tàu hộ vệ lớp Barbaros của Thổ Nhĩ Kỳ trên biển Aegea nhằm phô trương sức mạnh, răn đe đối phương.
Vũ Anh (Theo AP)