David Hole, thợ dò kim loại, tìm thấy đá màu nâu ánh đỏ nặng 17 kg và cực rắn khi đang tìm vàng trong công viên Maryborough ở gần Melbourne, Australia. David mất 4 năm để tìm cách cắt khối đá này bằng mọi thứ từ axit đến búa tạ nhưng không thành công. Cuối cùng, nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia ở Bảo tàng Melbourne, ông phát hiện đây thực chất là một thiên thạch 4,6 tỷ năm.
Nhóm chuyên gia sử dụng lưỡi cưa kim cương để cắt một phần nhỏ từ thiên thạch cổ đại. Họ xác định mẫu vật thuộc nhóm thiên thạch chondrite H5 rất hiếm gặp, chứa lượng lớn sắt. Nhà địa chất học Dermot Henry cho biết thiên thạch lõm vào như núm đồng tiền, kết quả do lớp ngoài của nó bị tan chảy khi bay qua khí quyển Trái Đất.
Khối thiên thạch rất nặng do chứa một số kim loại bao gồm dạng đặc của sắt và nickel. Nó cũng có nhiều giọt khoáng chất kim loại phân bố rải rác gọi là chondrule, hình thành ở thuở sơ khai của hệ Mặt Trời.
Khối thiên thạch được đặt tên là Maryborough theo địa điểm tìm thấy. Kết quả xác định niên đại bằng đồng vị carbon cho thấy nó rơi xuống Trái Đất cách đây 100 - 1.000 năm, nhưng Tiến sĩ Birch cho rằng thời gian chỉ khoảng 200 năm trước vì nó chưa bị thời tiết mài mòn nhiều.
An Khang (Theo IFL Science)