Dọc theo con đường đầy bùn đất trong một vùng hoang vu thuộc Texas, công ty tiền điện tử Argo Blockchain (có trụ sở tại London) đang xây hệ thống nhà máy khai thác Bitcoin mới. Nhưng không giống với các cơ sở khác trước đây vốn dùng điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch - thứ tạo ra lượng lớn khí thải carbon, Argo tuyên bố họ "cố gắng làm điều gì đó có trách nhiệm với môi trường hơn".
Peter Wall, CEO của Argo, đang dẫn đầu một nhóm tham quan công trường trung tâm khai thác mới rộng gần 12.000 mét vuông. Ông chỉ vào một dãy tua-bin gió các đó vài dặm, nơi đặt nhà máy điện gió và sắp tới sẽ lắp thêm các tấm pin điện mặt trời. "Đó sẽ là nơi cung cấp toàn bộ năng lượng khai thác Bitcoin", ông nói.
Đối mặt với hàng loạt chỉ trích từ nhà lập pháp, chính phủ và giới bảo vệ môi trường, ngành công nghiệp tiền điện tử đang bắt đầu cố gắng thay đổi một quan điểm phổ biến rằng: các hệ thống khai thác tiền số đang ngốn điện và gây hại cho khí hậu. Kể từ đầu năm nay, năm công ty lớn nhất về tiền số đồng loạt tuyên bố đang xây dựng hoặc đã vận hành các nhà máy chạy bằng năng lượng tái tạo.
Nỗ lực "xanh hoá" việc khai thác Bitcoin là một phần trong mục tiêu tạo sự bền vững cho ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ được tăng tốc vào năm ngoái, sau khi hàng loạt hệ thống trâu cày Bitcoin bị cấm ở Trung Quốc và dồn về Mỹ.
Trong những năm đầu, khai thác Bitcoin chỉ đơn giản là chạy phần mềm trên laptop hoặc PC. Nhưng đặc thù giới hạn nguồn cung khiến độ khó trong giải thuật toán để lấy về tiền số này tăng mạnh theo thời gian. Theo ước tính của DigiConomist, để nhận một Bitcoin hiện cần hơn 2.000 kilowatt giờ điện - con số đủ để cung cấp năng lượng cho một hộ gia đình Mỹ trung bình trong 73 ngày.
Để có đủ điện, một số thợ đào đang tìm cách hồi sinh các nhà máy nhiệt điện chạy than bị hỏng, hoặc tìm đến khí đốt để cung cấp năng lượng cho "trâu cày". Dù vậy, các hoạt động này đang tạo ra nhiều khí thải hơn bao giờ hết. Theo số liệu nghiên cứu của Joule công bố tháng trước, hoạt động khai thác Bitcoin trên toàn thế giới có thể tạo ra khoảng 65 megaton carbon dioxide mỗi năm, tương đương với lượng khí thải của Hy Lạp.
Việc gây ô nhiễm môi trường do hoạt động từ Bitcoin bị chỉ trích từ lâu, nhưng thay đổi thực sự đến vào tháng 5/2021, sau khi Elon Musk - một người ủng hộ tiền số nhiệt tình - nói Tesla từ chối chấp nhận thanh toán bằng loại tiền này vì lo ngại chúng "sử dụng ngày càng nhiều nhiên liệu hóa thạch cho khai thác và giao dịch Bitcoin".
"Dòng tweet của Musk trên Twitter đã đưa ngành khai thác Bitcoin vào khủng hoảng", Michael Saylor, CEO công ty phần mềm MicroStrategy, người đã đầu tư nhiều vào Bitcoin, nhận xét. "Tuy vậy, nó giúp những công ty về tiền số như thức tỉnh rằng: Hãy tìm hiểu thế nào là năng lượng sạch, thế nào là năng lượng bền vững".
Saylor cho biết đã trao đổi với Musk và Wall qua Zoom về sự bền vững của lĩnh vực khai thác Bitcoin. Hội đồng khai thác Bitcoin - một diễn đàn để ngành công nghiệp chia sẻ ý tưởng và điều phối chiến lược môi trường - cũng đã được thành lập sau đó.
Theo Joule, sử dụng nguồn năng lượng xanh trên các mạng khai thác Bitcoin đã xuống mức trung bình 25% tính đến tháng 8/2021, giảm so với mức 42% cùng kỳ năm 2020. Các công ty chuyên về Bitcoin cũng cam kết hạn chế sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
Chẳng hạn, kể từ đầu năm nay, một thành viên Hội đồng khai thác Bitcoin là TeraWulf, cam kết điều hành các mỏ khai thác tiền điện tử bằng cách sử dụng hơn 90% năng lượng không carbon. Nhà máy ở New York của công ty này hiện chuyển qua thuỷ điện, còn chi nhánh ở Pennsylvania dùng năng lượng hạt nhân.
Dù vậy, thống kê của New York Times cho thấy hơn một chục công ty khai thác Bitcoin hàng đầu vẫn dùng quá nửa nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch, như Sangha Systems, Marathon và cả Argo. Lý do hầu hết doanh nghiệp này đưa ra là vì điện từ loại hình này vẫn rẻ hơn nhiều so với năng lượng tái tạo.
Gần đây, một số doanh nghiệp năng lượng tái tạo bắt đầu bán điện cho thợ đào tiền điện tử. Tuy nhiên, ông Wall thừa nhận những công ty như của ông chưa nhận được sự tin tưởng. "Họ vẫn còn một chút nghi ngờ về tiền điện tử, còn thợ đào không có hồ sơ tín dụng đủ uy tín để ký các giao dịch kéo dài 10-15 năm", Wall nói.
Bất chấp các chỉ trích hay phản ứng dữ dội, Wall tin rằng các công ty sẽ tiếp tục khai thác Bitcoin cho đến khi loại tiền này không còn nữa. "Đó là một thực tế. Việc chúng ta cần làm chỉ là khai thác Bitcoin theo cách thân thiện nhất với môi trường mà thôi", Wall nói thêm.
Bảo Lâm (theo NYTimes)