Phía đông bắc Niagara, một nhà máy than ngừng hoạt động cuối tháng trước đã được thay thế bởi một công ty chuyên đào Bitcoin. Một nhà máy nhôm ở Massena cũng nhường chỗ cho hệ thống khai thác tiền số. Tại Oweo, ông trùm tái chế kim loại Adam Weitsman cũng sẵn sàng với hàng loạt máy đào tiền số mới đặt bên cạnh bãi phế liệu.
Theo New York Times, ngày càng nhiều công ty Mỹ chuyển hướng đào loại tiền mã hóa này. Khu vực họ đổ về là vùng phía bắc, đông bắc và tây New York - những nơi có nguồn điện dồi dào và giá rẻ - biến nơi đây thành một trong những khu vực khai thác tiền số lớn nhất Mỹ.
Nhà máy 'đào' Bitcoin nở rộ
Các khu vực vùng ven New York có ưu thế năng lượng thủy điện rẻ. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy điện đã đóng cửa và được đánh giá là rất dễ chuyển đổi công năng cho việc khai thác Bitcoin. Một số chính quyền địa phương cũng ủng hộ và cấp phép dễ dàng do các doanh nghiệp này nộp những khoản thuế lớn.
Kết quả là hàng loạt nhà máy Bitcoin mới mọc lên. Ở khu vực Finger Lakes, một nhà máy than trước đây trên hồ Seneca đã được chuyển thành nhà máy điện dùng khí đốt tự nhiên có tên Greenidge Generation, cung cấp năng lượng khai thác Bitcoin tại chỗ. Gần Buffalo, một công ty tiền số khác đang tự chủ nguồn điện bằng cách tiếp quản một nhà máy điện chạy bằng khí đốt.
Tuy nhiên, sử dụng điện từ nhiên liệu hóa thạch không được chuộng do vấp phải chỉ trích về ô nhiễm môi trường. Các nhà máy đào Bitcoin đang tìm cách sử dụng năng lượng tái tạo, như thuỷ điện hay điện mặt trời, và tự quảng bá là "có ý thức về môi trường".
Đầu tháng này, công ty chuyên về Bitcoin Terawulf khởi công một nhà máy trị giá 550 triệu USD ở vùng đông bắc Somerset. Dự án gồm trung tâm sản xuất điện 150 MW, xây trên nền nhà máy than trước đây. "Nhà máy dùng thuỷ điện tự sản xuất, đảm bảo tránh tắc nghẽn lưới điện, lại có thể tuân thủ các quy tắc về môi trường", Paul Prager, CEO của Terawulf, cho biết.
Bị phản đối
New York không đặt ra hạn chế đối với việc khai thác tiền điện tử, nhưng nhiều tổ chức và cá nhân không muốn sự xuất hiện của các nhà máy Bitcoin.
Năm 2017, một nhà máy nhiệt điện chạy than nằm gần hồ Seneca bị đóng cửa và được Greenidge của Atlas Holdings chuyển đổi thành khu phức hợp để khai thác Bitcoin và sản xuất điện bằng khí đốt với công suất 106 MW - số điện đủ cung cấp cho 85.000 ngôi nhà. Greenidge tự quảng bá là doanh nghiệp niêm yết công khai đầu tiên tại Mỹ làm điều này. "Nhà máy tạo ra động lực kinh tế mới, đưa một phần tương lai kỹ thuật số của thế giới đến ngoại ô New York", Dale Irwin, CEO của Greenidge, nói.
Tuy nhiên, những công ty như Greenidge gây ra nhiều tác hại về môi trường. Chúng đang vấp phải sự phản đối của cư dân địa phương, những người gọi nhà máy là mối đe dọa của vùng nông thôn với những vườn nho, nông trại và những con đường hoang sơ.
Hoạt động đào Bitcoin của Greenidge được cho là đã làm nóng hồ Seneca do hút hàng triệu lít nước để làm mát và xả trở lại nước nóng, gây nguy hiểm cho sinh vật sống trong hồ. Phía Greenidge phản đối, nói nhiệt độ nước vẫn ở mức cho phép và không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Trong khi đó, một số nhà lập pháp muốn biến New York thành một trong những bang đầu tiên của Mỹ hạn chế loại hình đào Bitcoin. Vào tháng 6, bang này đề xuất một dự luật cấm hoạt động khai thác tiền điện tử bằng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch, nhưng không được Quốc hội Mỹ chấp nhận.
"Một ngành công nghiệp khó hiểu", Anna R. Kelles, một đảng viên Đảng Dân chủ đại diện cho khu vực Ithaca, cho biết. "Nó quá mới và chưa được kiểm soát ở quy mô liên bang hoặc toàn bang, nhất là về khía cạnh phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, cũng như các chất gây ảnh hưởng đến nước và không khí".
Vì lý do tương tự, một số nhà hoạt động môi trường thúc giục Thống đốc Kathy Hochul của New York ban hành lệnh cấm một số hoạt động khai thác tiền điện tử. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Kirsten Gillibrand và Chuck Schumer, yêu cầu cơ quan quản lý liên bang và tiểu bang phải xem xét đơn đăng ký của các nhà máy một cách chặt chẽ.
Với áp lực chính trị và dư luận ngày càng gia tăng, Basil Seggos, ủy viên bảo tồn môi trường của New York, viết trên Twitter vào tháng 9 rằng các công ty như Greenidge đang không tuân thủ luật khí hậu của bang. Ông kêu gọi cư dân tham gia lấy ý kiến về việc có nên tiếp tục gia hạn giấy phép cho những doanh nghiệp như vậy hay không.
Trường hợp của Greenidge không phải là duy nhất. Digihost, công ty khai thác Bitcoin có trụ sở ở Buffalo, đang "hồi sinh" một nhà máy điện chạy bằng khí đốt. Tuy nhiên, hoạt động tại đây khiến các khu vực lân cận bị ảnh hưởng. Thác Niagara, Love Canal - những địa danh nổi tiếng ở New York - đang gây ám ảnh bởi những bãi rác và không khí không còn trong lành như trước.
Tuy vậy, các quan chức địa phương đã chấp thuận kế hoạch của những công ty như Digihost, phần lớn vì chi phí môi trường rất nhỏ so với lợi ích mà những doanh nghiệp này dự kiến mang lại. Digihost cho biết nộp một triệu USD phí môi trường hàng năm, đồng thời tạo ra ít nhất 30 việc làm thường xuyên tại địa phương.
Bảo Lâm (theo New York Times)