Guardian cho biết một phần mỏ than ở Hardin, miền nam Montana (Mỹ) đã sống lại khi thợ đào Bitcoin chuyển về đây. Các nhà bảo vệ môi trường ở Montana gọi mỏ than này là "chiếc đồng hồ tử thần". Nhiều nhà máy nhiệt điện than ở bang Montana đã bị phá sản sau những nỗ lực kêu gọi tránh biển đổi khí hậu của cộng đồng.
Năm 2020, nhà máy này chỉ hoạt động 46 ngày trong năm và có nguy cơ đóng cửa. Khi đang đứng bên bờ vực, họ nắm được sợi dây cứu sinh - một công ty khai thác tiền điện tử ra đời gần đó. Từ 2021, công ty khai thác Bitcoin tên Marathon trở thành khách hàng duy nhất của mỏ than. Họ xây dựng một xưởng rộng gần 81.000 m2 với hơn 30.000 máy đào chuyên dụng. Khi các thợ đào Bitcoin chuyển về, Hardin đã sống lại.
Dữ liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) cho thấy: Chỉ trong chín tháng đầu năm 2021, các mỏ than hoạt động 236 ngày. Lượng khí thải từ việc đốt than của Hardin cũng tăng vọt, lên đến 187.000 tấn CO2, nhiều hơn 5.000% so với lượng thải ra trong cùng kỳ năm 2020.
Anne Hedges, đồng giám đốc của Trung tâm Thông tin Môi trường Montana, đã trực tiếp đến thăm nhà máy và chụp ảnh xưởng khai thác bitcoin của Marathon và cho biết: "Tôi rất kinh hoàng khi thấy những gì đang diễn ra, nhà máy than hoạt động trở lại thật sự là sự kiện khủng khiếp. Chúng tôi chỉ chờ thứ này chết đi nhưng giờ nó lại vận động gần như hết công suất".
"Nếu lo lắng về biến đổi khí hậu, bạn không nên làm gì với tiền điện tử, nó là thảm hoạ với khí hậu", Hedges nói.
Hardin là một trong nhiều nhà máy nhiên liệu hóa thạch "thây ma" của Mỹ đã được hồi sinh nhờ các công ty tiền điện tử. Trung Quốc từng là trung tâm của ngành công nghiệp Bitcoin đã có một đợt "càn quét" quy mô lớn các thợ đào tiền số. Sau đó các thợ đào chuyển hướng sang Mỹ với nguồn điện giá rẻ. Năm 2020, một nhà máy than đá ở ngoại ô New York được chuyển sang dùng khí đốt để cung cấp năng lượng cho nhà máy khai thác Bitcoin quy mô lớn. Chủ sở hữu công ty khai thác tiền số Greenidge Generation gọi đây là "một phần đóng góp quan trọng cho tương lai kỹ thuật số của thế giới".
Ở phía tây Pennsylvania, hàng nghìn máy khai thác Bitcoin được đóng gói trong các container để chuyển đến xưởng đốt than vùng Scrubgrass. Ở Kentucky, một cơ sở Bitcoin mới đang được xây dựng bên cạnh Big Rivers Electric - công ty sở hữu và vận hành bốn nhà máy nhiệt điện than.
Các công ty tiền điện tử viện cớ tạo ra công ăn việc làm tại địa phương, chỉ dùng điện dư thừa và không làm ảnh hưởng đến lưới điện dân sinh. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu chỉ rằng mức tiêu thụ điện khổng lồ cần thiết để duy trì tiền số đang thúc đẩy cuộc khủng hoảng khí hậu và góp phần hồi sinh các mỏ than. Ước tính hoạt động khai thác Bitcoin trên toàn cầu tiêu thụ nhiều điện hơn Na Uy - quốc gia có 5,3 triệu dân.
Benjamin Jones, chuyên gia về kinh tế tài nguyên thiên nhiên tại Đại học New Mexico, cho biết: "Việc mở rộng hoạt động khai thác thác tiền điện tử bằng năng lượng hóa thạch gây ra gánh nặng lớn với môi trường".
Ngay cả người từng rất ủng hộ tiền điện tử như Elon Musk cũng đã ngưng ủng hộ Bitcoin do lo ngại về vấn đề môi trường. Dịch vụ gọi xe Uber cho biết sẽ không chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử cho đến khi những tác động đến khí hậu được giảm bớt.
Cách đây hơn một thập kỷ, người ta có thể khai thác Bitcoin bằng máy tính gia đình, dùng một lượng điện không đáng kể. Khi nguồn cung Bitcoin ngày càng hiếm và nhiều người "đào", việc khai thác trở nên khó khăn hơn. Ngày nay, cuộc đua khai thác bitcoin tiêu tốn lượng điện khổng lồ, tương đương 0.5% lượng tiêu thụ toàn cầu. Ước tính, năng lượng để khai thác Bitcoin trong vòng 60 giây đủ để một hộ gia đình Mỹ dùng trong 17 năm.
Mặc dù bị chỉ trích bởi lượng CO2 khổng lồ thải ra, những người khai thác cho rằng câu chuyện nên được nhìn nhận trong một bối cảnh khác. Fred Thiel, CEO Marathon, nói việc vận chuyển hàng hóa vật chất trên khắp thế giới và cả việc dùng máy giặt ở Mỹ còn tốn nhiều năng lượng hơn Bitcoin. "Tôi hiểu vì sao nhiều người cho rằng thợ đào là 'tội đồ' với môi trường. Nhưng nếu so với những ngành công nghiệp khác, tác động của tiền điện tử cũng không đáng kể", Thiel nói và ví việc khai thác Bitcoin cũng không khác gì các giao dịch được xử lý trong các trung tâm dữ liệu khổng lồ của Amazon, Google.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng ngành khai thác Bitcoin đang nhanh chóng hướng tới năng lượng tái tạo. Marathon có kế hoạch bỏ dần việc dùng than vào năm tới. "Vài năm trước, rất ít nhà cung cấp năng lượng muốn giao dịch với thợ đào Bitcoin, vì vậy chúng tôi phải tìm đến những mỏ nhiên liệu hóa thạch bị bỏ hoang như Hardin", Thiel nói về lý do "hồi sinh chiếc đồng hồ tử thần".
Jones, giáo sư Đại học New Mexico, cho biết vẫn còn phải theo dõi xem liệu Bitcoin có thể tách khỏi những năng lượng hóa thạch không. "Chúng tôi chỉ đơn giản là không biết lượng khí thải từ khai thác Bitcoin sẽ thế nào trong 5-10 năm nữa. Tuy nhiên, có vẻ nó sẽ tiếp tục là một trong những nhân tố tiêu thụ năng lượng chính trong tương lai".
Khương Nha (theo Guardian)