Trả lời:
Theo Bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam, trong 100 g thịt gà chứa 199 kcalo, 20,3 g protein, 4,3 g chất béo và nhiều vitamin, khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Trong 100 g thịt vịt có 267 kcalo, 7,3 g chất béo, 17,8 g protein, 76 mg cholesterol, vitamin và chất béo. Như vậy, thịt vịt có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn.
Trong Đông y, thịt vịt tính hàn, có tác dụng bổ thận, phù hợp với người bị suy nhược, chán ăn, sốt. Thịt vịt phù hợp với người gầy, muốn tăng cân. Thịt vịt còn là bài thuốc để chữa yếu sinh lý với nam giới. Tuy nhiên, thịt vịt dai, tính hàn, khó tiêu nên không phù hợp với người già và trẻ em. Người thường xuyên bị đầy bụng, khó tiêu, dạ dày yếu, tiêu hóa kém cũng nên hạn chế.
Thịt gà mềm, dễ tiêu hóa, ít bị tanh, hôi và lành hơn. Thịt gà phù hợp với người muốn giảm cân, bổ sung nhiều năng lượng cho cơ thể, dễ chế biến. Đây là món ăn thường được sử dụng trong bữa ăn, đặc biệt là ngày lễ, Tết. Thịt gà có tính ấm, chế biến các món ăn tẩm bổ như hầm, cháo, canh,... dùng để bồi bổ, tăng cường sức khỏe cho người bệnh, đau ốm.
Vậy, tùy theo nhu cầu và sở thích, bạn lựa chọn loại thịt phù hợp. Không nên chỉ ăn mỗi thịt vịt hay thịt gà mà nên luân phiên, thay đổi, ăn đầy đủ nhóm chất và các loại thịt khác.
Để chống chán, bạn có thể thay đổi cách chế biến món ăn. Chẳng hạn, gà rán khó tiêu, gây thừa cân béo phì, có thể luộc, nấu cháo, tốt cho tiêu hóa. Thịt vịt luộc, nấu canh xương dễ tiêu hóa hơn thịt nướng, quay... Nên ăn kèm với rau xanh, củ quả khi ăn.
Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh
Khoa Dinh dưỡng -Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội