Đây là kết quả khảo sát định tính do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam thực hiện, đưa ra tại hội thảo hôm nay (13/4) tại Hà Nội.
Từ tháng 7 đến tháng 11/2011, nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu thịt nạc, thịt đùi, gan và thận lợn tại siêu thị, quầy bán vỉa hè, cửa hàng chuyên kinh doanh thịt, chợ nội và ngoại thành tại TP HCM và Đồng Nai.
Kết quả cho thấy, trong 30 mẫu được lấy thì có 10 mẫu nhiễm chất tạo nạc, chiếm hơn 33%.
Người tiêu dùng rất khó có thể phân biệt được thịt lợn nạc do ăn chất tạo nạc hay là giống lợn siêu nạc. Ảnh minh họa: P.N. |
Trong đó, 5 mẫu tại Đồng Nai không phát hiện tồn dư hóa chất thuộc nhóm beta-agonist. Ngược lại, tại TP HCM tỷ lệ mẫu phát hiện lên đến 40%. Đáng chú ý là trong đó đến 90% là ở khu vực trung tâm thành phố, nơi đông người tiêu dùng và thường được coi là bảo đảm "an toàn" về vệ sinh thực phẩm.
Riêng với thông tin về mẫu tại cửa hàng Vissan nhiễm chất cấm, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết công ty tổ chức test ngay các nguồn heo sống nhập về công ty bằng cách lấy mẫu xét nghiệm. "Nguồn heo nào phát hiện có tồn dư chất cấm tạo nạc sẽ thông báo ngay cho thú y xử lý và chúng tôi từ chối nhập đồng thời loại ngay ra khỏi danh sách các nhà cung cấp. Với quy trình kiểm tra này chúng tôi đảm bảo được chất lượng thịt heo đưa ra thị trường an toàn không tồn dư chất cấm", ông Mười khẳng định. |
Cụ thể, theo báo cáo của ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nhóm nghiên cứu lấy 10 mẫu tại 5 địa điểm trung tâm TP HCM là chợ Bến Thành, Tân Bình, Bà Chiểu, cửa hàng thực phẩm Vissan và siêu thị Đinh Tiên Hoàng thì cả 5 đều phát hiện mẫu tồn dư hóa chất tạo nạc bị cấm, với tỷ lệ 7/10. Trong khi 10 mẫu lấy ở chợ nội thành thì chỉ có 1 mẫu dương tính.
Tuy nhiên, các mẫu nói trên được phân tích bằng cách xét nghiệm định tính (có giá trị sàng lọc, mà theo quan điểm của Bộ Nông nghiệp là không chính xác bằng phương pháp định lượng).
Ông Hùng cho biết điều này ngược với dự đoán ban đầu của nhóm nghiên cứu hướng nhiều đến các mẫu thịt lợn bán ở các chợ ngoại ô, gần các khu công nghiệp, nơi có thể thiếu sự kiểm tra của cơ quan chức năng.
"Đây là vấn đề đáng lo ngại vì ở những khu vực trung tâm thành phố này có lượng người mua lớn, lại có hệ thống kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng, ban quản lý chợ. Tuy quy mô nghiên cứu nhỏ nhưng cho chúng ta thấy kết quả đáng báo động về việc tồn dư chất tạo nạc trong thịt", ông Hùng nhấn mạnh.
Trong khi đó, từ tháng 3/2012, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã phân tích khoảng 200 mẫu thịt và thức ăn chăn nuôi trên toàn quốc xác định các hợp chất nhóm beta-agonist. Trong đó có 16 mẫu có tồn dư những hóa chất này.
Theo tiến sĩ Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm, kết quả hàm lượng các chất này trong thực phẩm vẫn ở mức an toàn nếu đối chiếu với các quy định của thế giới.
Theo bà, việc cấm sử dụng các chất tạo nạc trong thức ăn chăn nuôi là cần thiết để đảm bảo sự an toàn của thực phẩm. Tuy nhiên, cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi không có nghĩa là hàm lượng các chất này trong thực phẩm phải bằng "không". Vi thế, cần có quy định về giới hạn tồn dư tối đa cho phép của các chất clenbutarol và salbutamol.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Tổng Thư ký hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng thì cho rằng "đã là chất cấm thì dù ít hay nhiều cũng là không được. Vì ít nhưng ăn hằng ngày cũng tích lũy lại nhiều".
Theo ông, để đảm bảo cho người tiêu dùng cơ quan chức năng cần có kế hoạch và phương pháp để kiểm tra, giám sát việc đưa các chất thuộc nhóm beta-agonist vào thức ăn chăn nuôi hoặc cho lợn ăn trực tiếp. Đồng thời, kiểm tra phát hiện thịt lợn có tồn dư những hoá chất này trên thị trường. Đây là việc phải làm thường xuyên chứ không phải những lúc "nóng" mới kiểm soát. Ngoài ra, cũng cần truy tận gốc nguồn cung cấp những chất tạo nạc này.
Bên cạnh đó, cần hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết thịt lợn có tồn dư. Phó giáo sư Phan Thị Sửu, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết, thịt lợn ăn chất tạo nạc có màu đỏ như thịt bò, không còn mềm mại (thịt lợn bình thường có màu hồng tự nhiên và mịn), khi nấu bị mất chất béo và mùi vị không thơm ngon. Ngoài ra, thịt lợn này cũng tích nước nhiều, thịt có độ ẩm cao, mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, thớ ngắn, độ săn chắc kém.
Tại Việt Nam, clenbutarol và salbutamol, ractopamine là 3 chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi ở nước ta do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2002. Trong đó, Clenbutarol là chất độc hại nhất, là chất rất dễ tồn dư trong thịt và có thể tạo thành hiện tượng trúng độc mãn tính và cấp tính: rối loạn nhịp tim, run cơ, co thắt phế quản, phù nề, liệt cơ, tăng huyết áp... khi sử dụng thực phẩm còn tồn dư clenbutarol. Đặc biệt nó còn gây ung thư hoặc đột biến tế bào.
Đơn vị lấy mẫu | Địa điểm lấy mẫu | Thời gian kiểm tra | Số mẫu (thịt, gan, thận lợn) | Tỷ lệ nhiễm chất tạo nạc |
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (kiểm tra định tính) | TP HCM và Đồng Nai | Tháng 7 đến tháng 11/2011 | 30 | >30% |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (kiểm tra định lượng) | Toàn quốc | Tháng 3/2012 | 179 | 4,4% |
Phương Trang