Những ngày gần đây, Indonesia báo cáo số ca nhiễm gấp đôi Mỹ. Bệnh nhân Covid-19 trung bình trên dân số ở Malaysia gần bằng Brazil và Iran. Nhật Bản và Hàn Quốc bước vào đợt giãn cách mới, nghiêm ngặt hơn kể từ 12/7 vì dịch bệnh leo thang.
Trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, biến thể Delta càn quét những nơi từng có mức độ lây nhiễm tương đối thấp, song tốc độ tiêm chủng quá chậm. Hệ quả, cộng đồng lần nữa bị siết lại bởi các hạn chế. Nhiều nước trở lại những ngày đầu dịch, trong khi phương Tây dần bước vào cuộc sống bình thường.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, là ví dụ điển hình. Chính phủ từng kỳ vọng có thể tránh đợt bùng phát nhờ vị trí địa lý quần đảo và dân số trẻ. Song chiến dịch tiêm chủng chậm chạp (13% dân số sau 7 tháng) và biến thể Delta đẩy hệ thống y tế nước này đến bờ vực sụp đổ. Nhiều bệnh nhân phải tự xoay sở tìm kiếm oxy.
Hôm 3/7, chính phủ đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo, trường học, trung tâm mua sắm và sân vận động trên hai hòn đảo lớn nhất. Song số ca nhiễm trung bình hàng ngày tiếp tục tăng. Giới chức hôm 9/7 cho biết sẽ mở rộng quy định khẩn cấp cho các đảo khác.
Khu hồi sức tích cực tại thủ đô Jakarta hoạt động hết công suất. Nhiều y bác sĩ tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc vẫn nhiễm bệnh hoặc tử vong. Chính phủ cho biết sẽ tiêm tăng cường một liều vaccine Moderna cho khoảng 1,5 triệu nhân viên y tế bắt đầu từ tuần này.
Tại các nước Đông Nam Á, tỷ lệ tiêm chủng luôn ở mức thấp. Khi các ca nhiễm biến thể gia tăng, nhiều nơi chứng kiến đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ đầu dịch.
Tại Myanmar, các nhân viên y tế đã đình công để phản đối cuộc đảo chính hồi tháng 2 của quân đội. Số ca Covid-19 tăng mạnh. Các trường học phải đóng cửa đến ngày 23/7. Nước này mua được 3,5 triệu liều vaccine Covid-19, song quân đội không ưu tiên tiêm chủng cho người cao tuổi.
Bệnh viện Đa khoa Kalay, cơ sở y tế công duy nhất tại thị trấn cùng tên, gần biến giới Ấn Độ, bị quá tải do số ca nhiễm tăng vọt. Lal Puia, lãnh đạo đội tình nguyện Trung tâm Cộng đồng Ate Sut, nơi được chuyển thành bệnh viện dã chiến, cho biết cơ sở này không còn giường trống. Ông tiếp nhận 250 người có kết quả dương tính, nhiều bệnh nhân khác vẫn ở nhà, có thể lây nhiễm cho gia đình.
Người dân một số thành phố ở Malaysia cũng sống trong cảnh phong tỏa. Nước này báo cáo ca nhiễm bình quân đầu người cao nhất khu vực. Nạn đói bủa vây cộng đồng. Người Kuala Lumpur treo cờ trắng bên ngoài khu nhà, cho thấy họ cần thực phẩm hoặc sự trợ giúp khác.
Theo Our World in Data, tỷ lệ lây nhiễm trung bình hàng ngày ở Malaysia tăng 19% trong hai tuần đầu tháng 7. Tuần trước, chính phủ thông báo siết hạn chế ở Kuala Lumpur và hầu hết bang Selangor. Cả nước có hơn 6.500 ca mắc hàng ngày, song chỉ 8% dân số đã tiêm vaccine.
Việt Nam đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 4, khốc liệt nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, với sự hoành hành của biến thể Delta. Ngày 12/7, lần đầu tiên nước này ghi nhận hơn 2.000 ca nhiễm một ngày, riêng TP HCM liên tiếp 4 ngày có hơn 1.000 người mắc Covid-19. Đô thị lớn nhất Việt Nam áp lệnh phong tỏa 14 ngày, trong khi Hà Nội dừng các hoạt động không thiết yếu từ 0h ngày 13/7.
Tính đến 9/7, 4.010.786 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm tại Việt Nam, trong đó 258.274 người tiêm đủ hai liều. Chính quyền đặt mục tiêu có 150 triệu liều vaccine để phủ 70% dân số, đạt miễn dịch cộng đồng trong cuối 2021 và đầu 2022.
Các quốc gia phát triển trong khu vực có nhiều nguồn lực hơn để đẩy lùi virus. Song chiến dịch tiêm chủng chậm chạp cũng đẩy cộng đồng vào vòng lặp: bùng dịch, giãn cách, nới phong tỏa rồi lại bùng dịch. Ở Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc, tỷ lệ tiêm chủng chưa đến một phần ba dân số.
Lệnh phong tỏa tại thủ đô Sydney, Australia dự kiến kéo dài. Ngày 12/7, New South Wales báo cáo 112 ca nhiễm nCoV, hầu như đều ở Sydney, dù thành phố lớn nhất cả nước đã giãn cách lần thứ ba. Số trường hợp dương tính đạt kỷ lục trong ba ngày liên tiếp. Điểm sáng hiếm hoi là ca nhiễm cộng đồng giảm nhẹ ngày 11/7.
Tổng số bệnh nhân trong đợt bùng phát mới là gần 700, được ghi nhận chỉ trong một tháng kể từ ca nhiễm đầu tiên. Hiện 63 người đang nằm viện, 18 người trong khu hồi sức tích cực. Ca tử vong đầu tiên là một phụ nữ 90 tuổi.
Australia từng là hình mẫu chống Covid-19. Tuy nhiên, đợt bùng phát mới phơi bày công tác tiêm chủng chậm chạp. Hiện chỉ 11% dân số trưởng thành Australia đã tiêm hai liều vaccine. Nguyên nhân là ở các thông điệp không nhất quán và tình trạng thiếu nguồn cung.
Hàn Quốc báo cáo hơn 1.300 ca nhiễm mới hôm 10/7, kỷ lục ngày thứ ba liên tiếp. Chính phủ có kế hoạch siết chặt giãn cách ở Seoul và khu vực lân cận lên mức cao nhất kể từ 12/7. Trường học phải đóng cửa, quán bar, câu lạc bộ đêm ngừng hoạt động. Người dân bị cấm tụ tập nơi công cộng và gặp gỡ sau 6 giờ chiều.
Khoảng 80% số ca nhiễm tập trung ở thành phố Seoul đông đúc và khu vực lân cận. Nguyên nhân là do người 20-30 tuổi di chuyển nhiều nơi, song chưa đủ điều kiện tiêm chủng. Đến nay, Hàn Quốc đã tiêm vaccine cho khoảng 30% trong 52 triệu dân, đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào tháng 11.
Tình trạng khẩn cấp ở Tokyo, Nhật Bản cũng có hiệu lực kể từ 12/7, chưa đầy hai tuần trước Olympic. Nhà hàng, tiệm bách hóa và cơ sở kinh doanh khác bị yêu cầu đóng cửa sớm. Ban tổ chức Olympic cho biết sẽ cấm khán giả tham gia hầu hết các sự kiện ở thủ đô và thành phố lân cận.
Đến nay, Nhật Bản đã tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 cho hơn 25% dân số (tương đương 35 triệu người), trong đó 22,6 triệu người đã tiêm đủ hai liều. Đây là con số tương đối nhỏ so với một nền kinh tế phát triển. Tại Mỹ, gần 60% dân số đã tiêm ít nhất một liều vaccine.
Thục Linh (Theo NY Times)