Indonesia là nước bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nặng nề nhất trong khu vực. Giới chức dự kiến dịch sẽ đạt đỉnh vào đầu tháng 7. Biến thể Delta, lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ, có khả năng lây truyền cao, đã chiếm ưu thế tại một số khu vực. Các bệnh viện Jakarta đạt 75% công suất.
Tỷ lệ nhiễm nCoV tại quốc gia đông dân thứ 4 thế giới tăng nhanh trong những tuần gần đây, kể từ cuối tháng lễ Ramada, khi hàng triệu người về thăm gia đình bất chấp lệnh hạn chế di chuyển.
Trong cuộc họp báo ngày 14/6, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết biến thể Delta đặc biệt phổ biến ở Jakarta và khu vực đảo Java. Wiku Adisasmito, người phát ngôn của lực lượng đặc nhiệm Covid-19, cho biết ít nhất 60 ca nhiễm biến thể được phát hiện ở Kudus, Trung Java. Các bệnh viện tại đây đạt công suất 90%.
Ngày 13/5, Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cho biết các bệnh viện ở thành phố 10 triệu dân gần quá tải, số ca nhiễm tăng 50% trong tuần qua. Nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn, giới chức sẽ phải xem xét áp dụng thêm hạn chế.
"Thủ đô cần được quan tâm nhiều hơn. Nếu mọi thứ mất kiểm soát, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn nguy cấp", ông nói.
Giới chức có kế hoạch tăng công suất bệnh viện ở Jakarta lên 40%, chuyển khách sạn thành điểm cách ly, Bộ trưởng Kinh tế Airlangga Hartarto cho biết.
Hiện Indonesia có 1,9 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 53.000 trường hợp tử vong. Dù vậy, nghiên cứu huyết thanh gần đây cho thấy quy mô thực sự của đợt dịch có thể lớn gấp 30 lần.
Thái Lan từng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là hình mẫu chống dịch trong năm 2020. Giờ đây, Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, ảnh hưởng nặng nề nhất những người nghèo. Số người nhiễm nCoV trong làn sóng thứ ba chiếm tới hơn 80% tổng số ca đầu dịch. Số ca tử vong cũng chiếm tới 90%.
Giống với Indonesia, Covid-19 cũng tấn công vào thủ đô của Thái Lan. Bangkok trở thành trung tâm của làn sóng lây nhiễm mới, với hơn 70 cụm dịch, phần lớn tại nhà tù và các ký túc xá công nhân.
Đến nay, khoảng 2% dân số Thái Lan đã tiêm chủng. Chính phủ phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt trong công tác quản lý.
"Chúng tôi không sống nổi trong điều kiện này. Nếu phải đóng cửa thêm một tháng nữa, chúng tôi không tồn tại được. Mọi thứ thật tồi tệ. Chúng tôi chỉ biết chờ đợi, chẳng biết có được tiêm phòng trong năm nay hay không", Jode, một chủ cửa hàng tạp hoá 45 tuổi, chia sẻ.
Công tác xét nghiệm được cải thiện, chính phủ cũng thành lập thêm trung tâm cách ly, song virus vẫn tràn lan trong khu nhà ở của công nhân nhập cư. Các phản ứng ban đầu như đóng cửa biên giới giúp chặn đứng virus vào năm ngoái. Song thiếu kế hoạch dài hạn, chương trình tiêm chủng chậm chạp dẫn đến các làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng hơn, người nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte ngày 14/6 quyết định nới một phần hạn chế đi lại ở thủ đô và các tỉnh lân cận vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, nhiều vùng vẫn bị đặt trong lệnh phong toả nghiêm ngặt. Số ca nhiễm cả nước tăng, tỷ lệ nhập viện cao.
Số trường hợp dương tính ở thủ đô Manila, nơi sinh sống của 13 triệu người, đã giảm so với mức đỉnh hồi tháng 4. Song dịch bệnh ở các tỉnh còn lại có chiều hướng gia tăng, cho thấy Covid-19 chưa kết thúc ở Đông Nam Á.
Trong bài phát biểu hàng tuần, ông Duterte khuyến nghị công chúng tiêm chủng và tuân thủ các quy định về an toàn sức khỏe. "Nếu không tiêm phòng, có thể bạn sẽ chết", ông nói.
Chính phủ đã áp đặt các biện pháp dập dịch mạnh mẽ hơn ở 9 thành phố và 12 tỉnh. Doanh nghiệp được yêu cầu làm việc từ xa, các cơ sở kinh doanh không thiết yếu bị đóng cửa.
"Dịch có xu hướng giảm, xong mọi thứ còn mong manh, bằng chứng là mức tăng nhẹ trong tháng qua", Bộ trưởng Y tế Francisco Duque nhận định.
Dữ liệu chính phủ cho thấy các tỉnh miền trung và miền nam Philippines chiếm gần một phần ba số ca mắc mới trong hai tuần qua. Với hơn 1,3 triệu trường hợp nhiễm nCoV và gần 23.000 người tử vong, Philippines là vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia.
Từ ngày 13/5 đến 10/6, giới chức Malaysia cho biết lễ hội tôn giáo Gawai Dayak và Eid al-Fitr đã gây ra 58 cụm dịch, khiến hơn 3.500 người dương tính nCoV. Bang Sabah có 11 cụm lây nhiễm, cao nhất cả nước, tiếp đến là Sarawak và Kedah. Hai nơi lần lượt ghi nhận 8 và 7 cụm.
Bộ trưởng Y tế Noor Hisham Abdullah cho biết số bệnh nhân tại phòng hồi sức tích cực của Malaysia đã đạt kỷ lục 17 ngày tiên tiếp, từ 25/5 đến 10/6. Ông Noor Hisham nhận định sự leo thang của dịch bệnh và các ca tử vong liên quan đến lễ hội rất "nghiêm trọng, đáng lo ngại" vì chúng xảy ra trong thời gian ngắn.
"Cả cộng đồng đều có trách nhiệm bảo vệ những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là cha mẹ ở quê nhà, bằng cách không để họ tiếp xúc với Covid-19", ông nói thêm.
Thục Linh (Theo Reuters, AFP, CNA, Straits Times)