Đánh giá đây là "vấn đề nghiêm trọng, khiến người dân lo lắng", chiều 23/6 tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các đơn vị về giải pháp cung ứng thuốc, vật tư và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay Chính phủ đã nắm được thông tin và nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế khắc phục.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt giải quyết tình trạng này. "Việc chưa được thì phải xử lý, khắc phục nhưng không vì thế mà thiếu ý chí, trách nhiệm với tính mạng, sức khỏe người dân", người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.
Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh làm đứt chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu thế giới tăng cao. Sau khi Covid-19 được kiểm soát, bệnh nhân đến khám và điều trị nửa đầu năm 2022 tăng 20-30%, ảnh hưởng đến xác định nhu cầu và kế hoạch mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư của các bệnh viện.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó "nhiều cán bộ sợ, không dám chịu trách nhiệm". Việc đấu thầu tập trung còn chậm; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát thực tế; gia hạn các loại thuốc chậm.
Đại diện Bộ Y tế cho biết đã đôn đốc các đơn vị tăng năng lực mua sắm, đấu thầu. Bộ đã đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc, trang thiết bị y tế; cấp phép nhanh nhất khi có đề nghị của cơ sở nhập khẩu, bệnh viện; đẩy nhanh tiến độ với thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia và thuốc đàm phán giá...
Trước các ý kiến, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế đánh giá tình hình chính xác, trung thực, toàn diện. Ông cho rằng cần "lăn lộn với thực tế" để có giá thuốc phù hợp thị trường và người dân chấp nhận được.
Trước mắt, Bộ Y tế, Tư pháp, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính cần rà soát tổng thể các quy định liên quan đến mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, đặc biệt "chỉ rõ nội dung vướng mắc ở đâu, ai giải quyết" với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân là trên hết.
Bộ Y tế khẩn trương triển khai nội dung trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội với kinh phí 14.000 tỷ đồng. Bộ cần cắt giảm thủ tục và chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm liên quan lĩnh vực dược.
Các bộ khác bổ sung các văn bản, hướng dẫn cụ thể về đấu thầu, giá cả... "để người thực hiện yên tâm, khuyến khích dám nghĩ, dám làm".
Về tình trạng cán bộ, nhân viên y tế công lập nghỉ việc, các đại biểu cho rằng do thu nhập thấp; cường độ làm việc lớn trong phòng chống dịch...
Thủ tướng lưu ý, vấn đề nhân lực ngành y cần có giải pháp tổng thể, đảm bảo hài hòa với ngành nghề khác. Bộ Y tế, Nội vụ, Tư pháp rà soát quy định số người làm việc, cơ cấu, tổ chức, bộ máy của các đơn vị trong ngành y; xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho hợp tác công tư; đẩy mạnh xã hội hóa; thu hút y tế tư nhân tham gia nhiều hơn vào chăm sóc sức khỏe người dân.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu bố trí đủ người làm việc đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nguyên tắc là "ở đâu có bệnh nhân, ở đó có người chữa bệnh".
Chế độ phụ cấp ưu đãi cho công chức, viên chức ngành y tế sẽ được sửa; nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 sẽ được hỗ trợ.