Theo
chuyên gia phân tích chủ nghĩa khủng bố của CNN, thước phim man rợ quay cảnh Nhà nước Hồi giáo (IS) thiêu sống phi công Jordan Moaz al-Kasasbeh là một bước đi đầy toan tính của trùm tổ chức khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi. Nó nhằm làm suy yếu quyết tâm của Jordan cùng các quốc gia Arab dòng Sunni khác tham gia vào liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu.IS từng rất thành công trong việc gieo rắc nỗi khiếp sợ khủng bố. Những tuần trước khi mở cuộc tấn công thành phố Mosul hồi tháng 6/2014, nhóm này công bố một loạt video ghi lại cảnh tượng chúng tra tấn, giết hại dã man các binh sĩ, khơi gợi cảm giác lo âu trong lực lượng quân đội Iraq. Khi IS đột kích Mosul, binh lính ở đây đã quay đầu bỏ trốn bất chấp việc quân số của họ lớn hơn kẻ địch nhiều lần.
Al-Baghdadi chắc chắn muốn lặp lại mánh khóe này ở Jordan. Nhưng IS dường như đã tính toán sai lầm. "Một làn sóng phản đối dữ dội sẽ hình thành", Cruickshank nhận xét.
Iyad Madani, lãnh đạo của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo với 57 quốc gia thành viên, cho rằng vụ hành quyết phi công Jordan là sự coi thường một cách trắng trợn luật Hồi giáo cũng như cái mà ông gọi là tiêu chuẩn đạo đức của chiến tranh.
Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Abdullah bin Zayed Al Nahyan, tái khẳng định quyết tâm chống chủ nghĩa cực đoan. "Việc làm ghê tởm và bẩn thỉu đó cho thấy tội ác cũng như quy mô của các nhóm khủng bố đang leo thang nhanh chóng", ông nói và thêm rằng hành động của IS là của quỷ dữ, không thể dung thứ.
Bahrain, quốc gia vùng Vịnh, nơi Hạm đội 5 của Mỹ đóng quân, lên án vụ sát hại viên phi công Jordan là hèn hạ. Qatar cũng cực lực phản đối hành vi tội ác của IS.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố "tôn giáo của chúng tôi không thể chấp nhận" hành vi dã man của IS.
Theo AP, cả thế giới Hồi giáo dường như đang quay lưng với nhóm khủng bố này.
Ở Jordan, nếu sự ủng hộ đối với quyết định tham gia liên minh chống IS trước đây nguội lạnh thì nay sôi sục hơn bao giờ hết. Đại tá Mamdouh al-Ameri, phát ngôn viên quân đội Jordan, thề sẽ đáp trả nhóm khủng bố "long trời lở đất". Quốc vương Abdullah II cam kết sẽ quyết đấu với IS để sự hy sinh của phi công bị phiến quân thiêu sống không trở thành vô ích.
Lực lượng vũ trang Jordan hôm qua cũng điều động hàng chục chiến đấu cơ, tấn công phá hủy các kho đạn dược và trại huấn luyện của IS đồng thời tuyên bố "đây mới chỉ là khởi đầu". Có thể trong những ngày tới, chiến dịch không kích sẽ còn được thực hiện ráo riết hơn nữa.
Trong bối cảnh IS đang dần suy yếu trước các cuộc dội bom không ngừng của liên quân do Mỹ dẫn dắt, việc Jordan tiếp tục gia tăng áp lực sẽ gây không ít khó khăn cho nhóm khủng bố này trong việc hiện thực hóa tham vọng mở rộng lãnh thổ, thậm chí còn có chiều hướng co cụm lại. Tháng trước, các tay súng của nhóm buộc phải rút hoàn toàn khỏi thị trấn biên giới chiến lược Kobani, Syria, và thừa nhận thất bại.
Quan trọng hơn cả, nguồn lực tình báo dồi dào của Jordan có khả năng sẽ là con át chủ bài giúp thay đổi cục diện trên mặt trận chống IS, khi quốc gia này tham gia sâu hơn vào nhiệm vụ. Hồi tháng 6/2006, chính thông tin mà Jordan cung cấp đã đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch dội bom tiêu diệt trùm khủng bố Abu Musab al-Zarqawi ở Iraq.
Thất bại trong tuyên truyền
Một số chuyên gia cho rằng bằng cách thiêu sống viên phi công al-Kasasbeh, IS muốn truyền đi nhiều thông điệp mà trước hết là một thái độ thù địch rõ ràng hơn đối với Jordan. Ngoài ra, IS còn xây dựng danh tiếng của mình với tư cách một nhóm khủng bố dã man và máu lạnh bậc nhất thế giới.
Trong đoan băng, các tay súng IS mặc những bộ đồng phục có nhiều nét tương đồng với trang phục của lính thủy đánh bộ Mỹ. Ben Connable, chuyên gia tình báo hải quân Mỹ về hưu, nhà phân tích chính sách của Rand Corp, cho rằng IS dường như đang cố gắng khắc họa hình ảnh bản thân như một tổ chức làm việc hiệu quả, có mỗi liên kết bền vững, kỷ luật chặt chẽ.
Tất cả nhằm phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền, từ đó chiêu mộ thêm thành viên. "IS đang tuyên bố với cả thế giới rằng chúng là tổ chức độc ác, vô nhân tính không ai sánh bằng", Daniel Benjamin, cựu điều phối viên chống khủng bố thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nay là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế John Sloan Dickey, Đại học Dartmouth, nhận định. Với tội ác tàn bạo này, nhóm "sẽ gây tiếng vang lớn và thu hút thêm tân binh, những kẻ tôn thờ chúng", ông nói thêm.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Tom Fuentes, "mục tiêu quảng bá hình ảnh nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng sẽ thất bại hoàn toàn". Thực tế, việc thiêu sống một người theo đạo Hồi là hành vi không thể chấp nhận đối với giáo lý Hồi giáo chính thống, khiến ngay cả những kẻ cảm tình với IS, đa số là các phần tử Hồi giáo cực đoan, có lẽ phải suy nghĩ lại và thay đổi lập trường. Viên phi công al-Kasasbeh cũng là một tín đồ của đạo Hồi.
Theo AP, các lãnh đạo chính trị và tôn giáo trên toàn thế giới đều đồng tình cho rằng việc IS thiêu sống viên phi công người Jordan đi ngược lại những lời răn dạy của Hồi giáo.
Giáo sĩ Ahmed al-Tayeb từ Nhà thờ Hồi giáo uy tín bậc nhất thế giới Al-Azhar ở Cairo, Ai Cập, cho rằng các tay súng IS xứng đáng nhận hình phạt cao nhất, bị chặt tay, thậm chí là đóng đinh vì đã trở thành những tội đồ của Thánh Allah cũng như đấng tiên tri Mohammed.
"Đạo hồi nghiêm cấm giết hại người vô tội", al-Tayeb nói. Bằng hành động thiêu sống viên phi công, IS đã vi phạm luật cấm xâm phạm phi thể người chết của Hồi giáo, ngay cả vào thời kỳ chiến tranh.
Dù IS đưa ra nhiều lời biện hộ để chứng minh hành động của mình không đi ngược với luật Hồi giáo nhưng ít nhiều vẫn làm thay đổi hình tượng mà chúng từ lâu luôn duy trì trong mắt những kẻ ủng hộ cực đoan cuồng tín. Giáo sĩ Salman al-Oudah hôm 4/2 trích dẫn một ý nói của nhà tiên tri Mohammed nhấn mạnh "chỉ Thánh Allah mới có quyền dùng ngọn lửa để trừng phạt kẻ khác", không phải IS.
Vũ Hoàng