Giữa nơi khói hương nghi ngút cuộn quanh những hương án cổ xưa, các nhà sư đang thi triển những động tác võ công dứt khoát nhằm chiến đấu với một đối thủ tự tưởng tượng trong tâm trí. Chiếc chuông đồng khổng lồ gióng lên những âm thanh rền vang nhắn nhủ phật tử sùng đạo đến cầu nguyện. Đây là quang cảnh thường thấy ở chùa Thiếu Lâm huyền thoại, cái nôi của kungfu và Thiền Phật giáo.
Ngôi chùa nằm nép mình giữa những cánh rừng thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Thiếu Lâm Tự được lưu truyền là nơi luyện tập võ công của các nhà sư từ nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, gần đây, một âm thanh khác lạ, như là tiếng cười mỉa mai của du khách, bàn tán về sư trụ trì chùa Thiếu Lâm cũng như sự thiếu đạo đức của ông lại đang văng vẳng vang lên từ khắp các ngõ ngách của vùng đất linh thiêng này.
Gần như cả nước Trung Quốc suốt một tuần qua đều sững sờ trước nghi án tình ái của nhà sư Shi Yongxin, người được biết đến như một trụ trì có công đưa Thiếu Lâm trở thành đế chế thương mại toàn cầu.
Cáo buộc tình - tiền
Các cáo buộc xoay quanh việc Shi Yongxin là một kẻ lừa đảo và có quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ, trong đó, hai người đã sinh con với ông. Điều này phá vỡ những quy tắc tôn nghiêm, bất di bất dịch của nhà Phật.
Thông tin về bê bối mới này tràn ngập trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Nguồn gốc của những cáo buộc hầu hết xuất phát từ các tài liệu do một người tự nhận là đệ tử cũ ở chùa cung cấp. Ông này cho biết sư trụ trì sở hữu một dàn xe sang và biển thủ hàng triệu USD của chùa, đồng thời dùng tiền chu cấp cho một tình nhân hiện sống tại Australia.
Những tiết lộ trên khắc họa hình ảnh của một sư trụ trì hoàn toàn khác, trái ngược hẳn với sự khiết tịnh trong nhân cách và lối sống khắc khổ mà ông Shi thể hiện với tư cách là một biểu tượng nổi bật của Phật giáo Trung Quốc.
Làn sóng phê phán tiếp tục dâng cao cho thấy sự hoài nghi của người dân Trung Quốc đối với xã hội đương thời, nơi mà đạo đức con người đang có dấu hiệu bị lòng tham và chủ nghĩa vật chất áp đảo, đặc biệt là đối với giới công quyền.
Người đưa ra bằng chứng buộc tội ông Shi sử dụng một biệt danh, tạm dịch là "kẻ kiếm tìm công lý". Khi trả lời phóng viên về lý do của hành động trên, ông cho hay đã chán ngấy thói đạo đức giả của trụ trì và mong muốn "trả lại vẻ thanh tịnh cho chùa Thiếu Lâm". Hiện ông này vẫn từ chối các lời mời phỏng vấn và xuất hiện trước công chúng bởi lo sợ những mối đe dọa từ "tay sai của Shi Yongxin".
"Chúng ta muốn cả thế giới biết rằng sư trụ trì Thiếu Lâm đang dùng Phật giáo làm tấm áo choàng che đậy bản chất háo sắc điên cuồng và hình hài một con 'hổ đói', dám tham ô tài sản Thiếu Lâm Tự và huỷ hoại thanh danh nơi đây", "kẻ kiếm tìm công lý" tuần trước viết trong một văn bản yêu cầu chính phủ điều tra vụ việc.
Những bằng chứng ông này đưa ra nhằm chứng minh cho các cáo buộc đối với trụ trì Shi Yongxin bao gồm lời khai với cảnh sát, hàng loạt bức hình chụp một ni cô mặc áo cà sa màu nâu, tay ẵm một đứa bé mà cô nói là con của Shi. Người phụ nữ này được cho là nhân tình của ông. Một phụ nữ khác, cũng bị nghi là tình nhân của Shi, còn tự nhận có bằng chứng rõ ràng về mối quan với trụ trì Thiếu Lâm.
Nhiều phóng viên khi tới chùa ghi nhận gian phòng gạch xám khiêm nhường của ông Shi đã bị khoá. Các chức sắc tại chùa đều từ chối phỏng vấn. Trong một thông cáo trên mạng, những người này gọi các cáo buộc chống lại sư trụ trì Shi Yongxin là "tin đồn dối trá đầy ác ý".
Trước sức ép từ cơn bão dư luận và chỉ đạo của Ban Tôn giáo Quốc gia, cảnh sát địa phương tuyên bố mở cuộc điều tra toàn diện, bởi hệ lụy của sự việc lần này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến Phật giáo Trung Quốc.
Ông Shi trước đây cũng tạo ra làn sóng tranh cãi gay gắt khi thương mại hoá Thiếu Lâm Tự một cách thái quá thông qua hoạt động cấp phép và mở chi nhánh nước ngoài, trong đó có dự án phức hợp nghỉ dưỡng cao cấp Thiếu Lâm và sân golf ở đông nam Australia, trị giá tới 300 triệu USD.
Như các du khách tới thăm chùa nườm nượp đến rồi đi, những tranh cãi xung quanh trụ trì Shi mấy ngày trở lại đây lại nối tiếp nhau xuất hiện. Ông bị đồn chi tới 400.000 USD để xây các nhà vệ sinh xa hoa. Bên cạnh đó, thương vụ chào bán cổ phiếu chùa Thiếu Lâm lần đầu ra công chúng cũng được mổ xẻ. Kế hoạch trên từng nhận phải vô số chỉ trích bởi người dân Trung Quốc quan niệm rằng các nhà sư cam kết gắn cuộc đời với lối sống thanh tao, khắc khổ, không nên tham gia trị trường chứng khoán.
Một số trang tin còn chỉ ra sở thích đồ công nghệ Apple và áo cà sa dệt bằng vàng của trụ trì Shi. Xinhua năm 2011 đưa tin nhà chức trách Trung Quốc đang điều tra những cáo buộc cho rằng nhà sư này đã tìm cách tránh khỏi việc bị truy tố sau khi cảnh sát bắt được ông trong một cuộc truy quét ổ mại dâm.
Danh tiếng
Bất chấp mọi sức ép, trụ trì Shi vẫn im lặng, từ chối phản hồi các cáo buộc liên quan đến ông và khước từ mọi yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết tình hình tài chính của chùa, bao gồm cả những báo cáo tài chính của Công ty Quản lý Tài sản Bất định hình Thiếu Lâm, tập đoàn đầu tư vào 7 doanh nghiệp kinh doanh liên quan tới Phật giáo. Ông Shi sở hữu phần lớn công ty trên.
Trong các cuộc phỏng vấn, nhà sư này thường xuyên nhấn mạnh những thỏa thuận kinh doanh và xu hướng mở rộng ra quốc tế của mình là cần thiết để truyền bá Phật giáo cũng như thương hiệu độc đáo pha trộn giữa võ thuật, sự kỳ bí và đức tin của Thiếu Lâm Tự.
"Nếu khu vui chơi Disney có thể du nhập vào Trung Quốc thì tại sao các nước khác lại không thể tiếp nhận các ngôi chùa Thiếu Lâm?", Xinhua dẫn lời ông Shi hồi đầu tháng ba nói, phản ứng lại làn sóng chỉ trích dự án ở Australia. "Thúc đẩy văn hoá của ta ở nước ngoài là một nhiệm vụ cao quý".
Nhiều người cho rằng khó có thể phủ nhận danh tiếng toàn cầu của Thiếu Lâm Tự cùng nguồn lợi nhuận khổng lồ mà nó mang lại.
Để tỏ lòng kính trọng đối với Shi, một quan chức được trọng vọng ở Trung Quốc từng trao tặng ông chiếc xe sang trị giá tới 125.000 USD. Shi còn được bầu vào một vị trí rất quan trọng trong Hiệp hội Phật giáo.
Đứng trước những bê bối của Shi Yongxin, những người bảo vệ ông này lập luận rằng càng thành đạt sẽ càng có nhiều kẻ thù, và ông chính là một người thành đạt như thế. Theo Li Xiangping, giám đốc Viện Nghiên cứu Xã hội và Tôn giáo thuộc Đại học Hoa Đông, các nhà phê bình đã đánh giá sai vai trò của sư trụ trì. Theo Li, Shi là cây cầu nối Phật giáo với thế giới trần tục.
"Họ nghĩ các nhà tu hành chỉ nên nghiền ngẫm văn tự và ngồi thiền tối ngày", giáo sư Li nói, "nhưng nếu bạn thực sự muốn truyền bá Phật học và tác động lên đời sống thì bạn phải tương tác với xã hội chứ".
Theo New York Times, việc những câu chuyện của Shi xuất hiện tràn lan trên phương tiện thông tin đại chúng không phải là một điềm tốt cho vị trụ trì này, trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng quy mô do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng đang ngày càng quyết liệt hơn, truy quét hàng loạt quan chức có quyền lực và sức ảnh hưởng lớn.
Song, tại trung tâm "tập đoàn" Thiếu Lâm, sự ủng hộ đối với Shi vẫn rất mạnh mẽ. Tuần trước, 30 nhà sư tại đây đã gửi đi một bức thư nhằm bác bỏ những cáo buộc đối với trụ trì của mình. Những nhà sư đứng bán trang sức quanh chùa thậm chí còn xua đuổi các vị khách nói xấu ông Shi.
"Bạn không thể tìm ra một người nào khác có đạo đức hơn thế", Wang Daling, 50 tuổi, hướng dẫn viên du lịch dẫn khách tham quan chùa trong suốt hai thập kỷ qua, nhận xét. Dù vậy, nhiều du khách vẫn tỏ ra không tin tưởng.
Chuyên gia nhận định bê bối lần này gây ảnh hưởng đến uy tín của Thiếu Lâm Tự cả trong và ngoài nước nhưng rất ít người nghĩ ngôi chùa sẽ phải chịu những tác động lâu dài. "Càng nhiều lời bàn tán về Thiếu Lâm xuất hiện thì lại càng có nhiều du khách", Zang Jianzhen, 32 tuổi, chủ cửa hàng quà vặt cạnh chùa, nói. Zang cho hay với giá bán 1,4 USD một chai nước, gấp 4 lần giá bên ngoài, thì "đây thực sự là một điều tốt đấy chứ".
Gia Quang (theo New York Times)