Nếu bạn hỏi tôi có muốn xây đường sắt cao tốc cho đất nước mình không? Câu trả lời sẽ là có. Đường sắt cao tốc là dấu hiệu của sự phồn vinh, là phương tiện giao thông phục vụ cho những quốc gia có nhu cầu vận tải cao. Nếu Việt Nam xây đường sắt cao tốc chứng tỏ đất nước mình có thể sánh vai với các nước giàu có trên thế giới. Tuy nhiên, ở thời điểm này, khi Việt Nam còn nghèo khó, tôi e rằng tham vọng xây cả tuyến đường sắt cao tốc dài tới 1.570 km thực sự là điều chưa cần thiết.
Hãy nhìn lại xem, nợ quốc gia của Việt Nam theo công bố của Ngân hàng Thế giới (WB) đã lên đến hơn 47,5%, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, bội chi ngân sách, nhập siêu đang là vấn đề bức xúc. Điểm yếu nhất của dự án này là hiệu quả kinh tế thấp, khả năng thu hồi vốn thiếu tính thuyết phục trong khi tình hình nợ quốc gia đã tăng lên nhanh chóng. Nếu chấp nhận vay cả gói 55,8 tỷ USD (chắc chắn chi phí thực sẽ cao hơn rất nhiều) thì chỉ khoản vay này đã làm nợ quốc gia tăng lên hơn gấp đôi, tức là lên khoảng 100-110% GDP của năm 2010 này. Đấy là con số hết sức nguy hiểm trong tình hình hiện nay.
Quốc Hội chỉ chấp nhận một dự án thí điểm ở cung độ ngắn để rút kinh nghiệm. Ảnh: N.M. |
Tôi xin lưu ý, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chưa kết thúc, kinh tế thế giới mới hồi phục thì lại xảy ra thâm hụt ngân sách ở châu Âu. Chúng ta cần cân nhắc, liệu có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng nữa hay không? Đồng euro mất giá sẽ tác động đến xuất khẩu nước chúng ta. Trong tình hình như vậy, vấn đề hiện nay không phải là làm những bài toán siêu dự án. Cần một tầm nhìn để ngành đường sắt của ta vươn tầm ra thế giới nhưng hãy đi những bước vững chắc, hãy làm những dự án kết thúc nhanh, gọn đem lại hiệu quả kinh tế cao rồi làm tiếp những dự án khác. Đó mới là cách đi thông minh. Làm những dự án lớn nâng nợ quốc gia tăng lên trong khi bối cảnh kinh tế thế giới hết sức bấp bênh là quá mạo hiểm, thậm chí coi đó bước đi phiêu lưu của một quốc gia còn nhiều nỗi lo như Việt Nam.
Vì vậy, tôi cho rằng, phương châm trước đây của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Điện Biên Phủ không phải là “đánh nhanh, thắng nhanh” mà là “đánh nhỏ, thắng nhỏ, đánh chắc, thắng chắc” là hành động thích hợp cho nước ta hiện nay. Trong tình hình tài chính thế giới đang có nhiều biến động, một nền kinh tế với nhiều mất cân đối vĩ mô và dự trữ ngoại tệ thấp như Việt Nam hiện nay không thể tự cho phép có quyết định quá mạo hiểm theo kiểu “bóc ngắn, cắn dài” như vậy.
Ông Lê Đăng Doanh từng tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Leuna-Merseburg (Đức) năm 1967. Ông từng sang Matxcơva để học sau đại học và được cấp bằng tại Viện hàn lâm kinh tế quốc gia Nga. Hiện nay, ông là Ủy viên hội đồng khoa học của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh từng là thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng, chuyên gia kinh tế cao cấp văn phòng nguyên tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.Tôi đã hỏi vài người bạn là giáo sư Nhật Bản, chắc chắn không phải là người nghèo, họ cũng xác nhận: Đi công tác từ Tokyo và Kyoto nếu nhà nước trả tiền, họ sẵn sàng đi Shinkansen. Còn tự bỏ tiền túi thì họ chỉ mua vé xe buýt nằm, có mắc võng, chạy suốt đêm mất 6 tiếng đồng hồ, giá chỉ bằng 50-60% giá vé Shinkansen thôi. Như vậy là rõ, Shinkansen không phải là sản phẩm bình dân và không phải tình cờ cho đến nay chỉ có 11 nước trên 200 nước mới sử dụng phương tiện này. Đấy là những người thuộc tầng lớp trung lưu của Nhật. Vậy ở Việt Nam chúng ta có bao nhiêu người có khả năng chi trả cho giá vé từ 50-75% máy bay?
Nhu cầu 48.000 người theo Tổng công ty đường sắt Việt Nam tính toán liệu có đủ tiền để đi? Tôi e câu trả lời là không. Chúng ta đang nhầm lẫn giữa nhu cầu và nhu cầu có khả năng thanh toán. Con số 48.000 hành khách mỗi ngày, theo tôi không phải nhu cầu có khả năng thanh toán. Nhu cầu của con người là vô vàn, ai cũng muốn bay lên vũ trụ, mặt trăng, rồi trở thành tỷ phú, điều đó là không ai phủ nhận, nhưng những nhu cầu đó ai trả tiền được?
Chúng ta đứng quá chủ quan rằng, nước bạn Trung Quốc có thể xây đường sắt cao tốc thì chúng ta cũng có thể xây được. Đừng nghĩ rằng Đài Loan đã nhận chuyển giao khá thành công công nghệ từ Nhật Bản có nghĩa Việt Nam cũng làm được. Hãy nhớ Trung Quốc là nước đông dân và xây đường sắt cao tốc khi thu nhập bình quân đầu người là 3.000 USD. Còn thu nhập Đài Loan đã là 20.000 USD đầu người, gấp 20 lần thu nhập bình quân của Việt Nam. Tôi cho rằng chúng ta đừng nên quá ảo tưởng nghĩ nước ngoài làm được ta cũng làm được mà nên xem xét việc xây đường sắt cao tốc có phù hợp với Việt Nam ở thời điểm này hay không.
Đại sứ Nhật Bản cũng nhắc nhở Việt Nam nên thận trọng, xây từng giai đoạn một. Giới công nghiệp Nhật Bản đang gặp suy thoái. Đây là dự án tạo công ăn việc làm cho chính người Nhật Bản do công ty tư vấn, thiết kế, giám sát đều do người Nhật đảm nhiệm chứ đâu phải tạo cơ hội lao động cho người Việt.
Công nghệ Shinkansen là đường sắt chạy bằng đệm từ, tốc độ cao nhưng sức kéo yếu nên chỉ chở được hành khách trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa của ta rất lớn. Nhìn lại thực tế những gì chúng ta đang có, tôi đã đi từ Hà Nội vào Vinh xót xa khi thấy các toa tàu đang xuống cấp, bàn ghế hỏng hóc. Bệnh viện thì có đến 5-6 người chen chúc trên một chiếc giường chật cứng. Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm thay vì mạo hiểm đổ một đống tiền vào siêu dự án này. Hãy học tập các nước như Đức với hệ thống đường sắt rất phát triển, kết nối liên thông đến mức hoàn hảo và không cần thiết phải làm đường sắt cao tốc. Hiện đại hóa, mở rộng hệ thống đường đôi để phục vụ nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa là điều Việt Nam nên làm lúc này.
Không phủ nhận Shinkansen là công nghệ cao của một xã hội giàu có, sung túc và phát triển, tuy nhiên hãy để cho thế hệ con cháu chúng ta khi đã đủ tài đủ lực gánh vác. Quốc Hội đã quyết định đầu tư đường HCM, nhà máy lọc dầu Dung Quốc, mở rộng thủ đô Hà Nội với những băn khoăn rất lớn. Thực tế đã cho thấy hiệu quả kinh tế của những quyết định đó chưa thuyết phục. Dự án này còn lớn hơn rất nhiều trong khi tình hình kinh tế đất nước đang phải đối mặt với những mất cân đối to lớn, chưa có giải pháp căn cơ để vượt qua. Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị Quốc Hội chỉ chấp nhận một dự án thí điểm ở cung độ ngắn để rút kinh nghiệm, nhất thiết chưa thông qua cả gói dự án lớn vào lúc này. Quốc hội nên đặt lợi ích của người dân, vì sự an toàn của nền kinh tế lên trên hết.
Bách Hợp ghi