Theo lời kể của khách hàng này, ông đã đóng hơn 70.000 USD để mua căn hộ trên đường Nam Hòa. Thế nhưng đến năm 2011-2012, chủ đầu tư dự án này đã bán tháo với giá rẻ hơn một nửa để huy động tiền xây tiếp.
Theo hợp đồng mua bán của ông Kha, chủ đầu tư cam kết giao nhà vào cuối năm 2009. Đối với những đợt bán sau, khách có thời hạn giao nhà từ năm 2012. Tuy nhiên, hiện dự án mới chỉ xong phần thô một block, hai khối nhà còn lại đang xây dang dở phần thân.
"Trong 5 năm qua, thị trường nhà đất lao dốc nên giá căn hộ sụt giảm, tôi chấp nhận điều đó, nhưng đã rớt giá lại không có nhà thì thiệt hại quá nặng nề", ông Kha bức xúc nói.
Tình trạng các dự án căn hộ đình trệ vì thiếu vốn, dẫn tới chậm hoàn thiện, trì hoãn thời gian bàn giao và rớt giá mạnh tại TP HCM không phải là hiếm. Bà Hạ mua dự án Petro Vietnam Landmark, quận 2, TP HCM cũng vấp phải tình cảnh tương tự. Nữ khách hàng này tiết lộ, bà mua căn hộ này từ giai đoạn đầu chủ đầu tư chào bán hơn 23 triệu đồng mỗi m2. Đến cuối năm 2011 Công ty PVL bán tháo để trả nợ ngân hàng, giảm giá căn hộ xuống còn 15,5 triệu đồng mỗi m2.
Tháng 10/2013, dự án chỉ mới xong phần thô, chậm giao nhà 2 năm. Căn hộ hiện có giá chào bán trên thị trường thứ cấp chưa tới 14 triệu đồng mỗi m2. "Tôi đã đổ vào đây 2 tỷ đồng, giá sụt giảm hơn 40%, nhà chưa được nhận, bây giờ phải ở thuê, thật không còn gì khổ bằng", bà Hà mếu máo.
Trường hợp của ông Khương đóng hơn một tỷ mua căn hộ tại quận 8, TP HCM cũng không khá hơn là bao. Dự án xây được khoảng 10 tầng (chưa đi được nửa đoạn đường), ngày hoàn thiện còn mờ mịt, gần 2 năm qua thị trường rao bán với mức giá giảm hơn 30%. "Bây giờ tôi muốn tiến cũng không được, lùi cũng chẳng xong. Trót phóng lao đành theo lao vậy", ông Khương bộc bạch.
Chủ tịch HĐQT một công ty địa ốc có thâm niên hơn chục năm kinh doanh bất động sản tại TP HCM nhận định, giá nhà trên thị trường thứ cấp và sơ cấp vẫn đang âm thầm giảm mỗi nơi một kiểu. Tuy nhiên, những dự án dang dở, bị đình trệ có tốc độ rớt giá mạnh hơn những dự án đã hoàn thiện.
Theo chuyên gia này, các dự án hoàn thiện được xem như đã về đích. Người mua có thể vào ở ngay hoặc khai thác cho thuê nên tỷ lệ giảm giá khá thấp. Trong khi đó, những dự án dang dở, đứng giữa đường đua thì hết vốn là mối lo ngại lớn vì mức độ rớt giá rất khó lường.
"Nguyên nhân chủ yếu là do chủ đầu tư bán tháo để huy động thêm tiền nhằm nỗ lực hoàn thiện căn hộ. Ngoài ra, chính nhà đầu tư cũng mất niềm tin, chấp nhận bán rẻ để tháo chạy", ông nhận xét.
Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty Tư vấn Kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa cho biết: "Đúng là khách hàng và nhà đầu tư trong các dự án bị đình trệ đang phải chịu cú sốc nặng nề vì giá nhà giảm mạnh, có dự án xuống 50%. Tuy nhiên, đã vào sân chơi này buộc phải lao theo vòng xoáy, không thể cưỡng lại được".
Chuyên gia GIBC phân tích, tại các nước có thị trường bất động sản phát triển, một số điều luật có quy định về việc bồi hoàn thiệt hại cho nhà đầu tư khi xảy ra sự cố sụt giảm giá trị nhà ở. Thậm chí, có doanh nghiệp còn đưa hẳn các cam kết này vào phụ lục hợp đồng. Tuy nhiên, ở Việt Nam trường hợp chủ đầu tư bồi thường cho khách hàng khi giá trên thị trường sụt giảm là rất hiếm.
Theo ông Nghĩa, số phận của những dự án bị đình trệ đang là dấu hỏi nên rủi ro vì vậy cũng tăng lên khá cao. Đây là sức ép lớn nhất khiến các nhà đầu tư bán tháo trên thị trường sơ cấp (mua đi bán lại). Trong khi đó, dòng tiền cạn kiệt (do không vay được hoặc đầu tư sai mục đích) chính là áp lực khiến chủ đầu tư chấp nhận giảm giá căn hộ để kích cầu, tháo bớt hàng tồn.
"Bức tranh bất động sản đang bị gam màu tối lấn lướt chủ yếu là do các dự án bị đình trệ tại TP HCM còn quá nhiều. Chừng nào những dự án này chưa bàn giao nhà thì thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro rớt giá. Vì thế, lời khuyên cho người mua nhà trong lúc này là chọn mua căn hộ đã hoàn thiện", ông nói.
Vũ Lê