Khu đất bà mua nằm ở quận 2, TP HCM. Thời điểm đó, quý II/2009, tiền chênh lệch và tiền bà Phụng chi cho môi giới đều không ghi trong hợp đồng. Nhà đầu tư này đang lo méo mặt vì dự án chậm triển khai. Đã trễ thời gian giao nền hơn 2 năm nhưng khách đến xem vẫn chỉ là bãi đất trống. Quý II/2013 vì cần tiền bà đành chịu lỗ gần một tỷ đồng mới đẩy được suất đầu tư dang dở này đi.
"Ban đầu tôi định mua đất xây nhà nhưng thấy tiến độ dự án rùa bò, thị trường bất động sản khó khăn kéo dài nên không yên tâm chôn vốn. Thôi thì thà lấy được đồng nào hay đồng nấy còn hơn mạo hiểm, không khéo lại trắng tay", bà nói.
Trường hợp bị thua lỗ vì mua nền đất dự án thiếu vốn, chậm triển khai khá phổ biến tại quận 9 và Thủ Đức. Ông Hàn đầu tư nền đất dự án tại khu quận 9 kể: "Tôi mua nền đất trị giá hơn tỷ đồng (đã bao gồm phí chênh lệch) nhưng giá trị hợp đồng chỉ hơn 200 triệu đồng. Dự án ì ạch 5 năm rồi, bán thì lỗ nặng mà ôm lại hoang mang".
Ông Hà cho hay đã rao bán nền đất này gần 2 năm với giá gốc nhưng không ai hỏi mua. Ông nhẩm tính, vốn liếng đã chôn vào suất đầu tư này gần 1,3 tỷ đồng, Lúc mua còn thiếu tiền, ông vay 400 triệu để bù cho đủ số, lãi suất vay tín chấp trả trong 24 tháng khá cao. "Khi mua dự án này tôi không nghĩ phải chờ 5 năm mà vẫn chưa được giao nền đất", ông Hà than thở.
Khó khăn của nhà đầu tư càng chồng chất khi thanh khoản của đất nền xuống thấp. Báo cáo quý II/2013 của Savills, tỷ lệ hấp thụ trung bình của phân khúc đất nền tại TP HCM giảm nhẹ 1% so với quý trước. Do thanh khoản yếu, một số chủ đầu tư đã giảm giá bán đến 40% so với thời kỳ thị trường nóng sốt. Tình trạng thiếu hụt vốn càng làm trì hoãn tiến độ phát triển của một số dự án khiến thị phần này thêm trì trệ.
Đất nền tại Hà Nội cũng ảm đạm không kém. Tại các khu đô thị như Vân Canh, Kim Chung Di Trạch (Hoài Đức), Dương Nội (Hà Đông), Thanh Hà Cienco (Hà Đông) và những khu ven đô thuộc Mê Linh, Đông Anh... đất nền lao dốc mạnh nhất. Mức giảm khoảng 50-60% so với thời kỳ nóng sốt. Nếu như vào đầu năm 2010, giá đất liền kề ở đô thị Vân Canh HUD khoảng trên dưới 40 triệu đồng một m2 thì nay chỉ còn khoảng 21-22 triệu đồng. Tương tự, dự án Kim Chung Di Trạch có lúc đã lên gần 60 triệu đồng, nay chỉ còn khoảng 15 triệu.
Theo ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản nhà đất 24h (Cầu Giấy) thanh khoản ở phân khúc đất nền rất thấp mặc dù giá đã giảm tới một nửa, thậm chí hơn thế. Đơn vị ông cũng ít nhận hàng ký gửi của khách ở phân khúc này vì không tìm được khách. "Vì không bán được nên nhiều chủ đầu tư kể cả có vốn cũng không muốn đổ vào những dự án này", ông Quỳnh nói.
Báo cáo quý II/2013 của CBRE, tại Hà Nội, giá bán thứ cấp đất biệt thự, liền kề ở nhiều khu vực vẫn giảm khá mạnh, đặc biệt là những khu ven đô. Trong đó mất giá nhiều nhất là khu vực Mê Linh với trung bình 30%, tiếp đến là Từ Liêm khoảng 20%. Về giao dịch ở phân khúc này, theo Savills Việt Nam cho biết loại được bán ra dưới dạng hợp đồng góp vốn gần như không có giao dịch.
Trao đổi với VnExpress.net, Tổng giám đốc Công ty Techcomreal, Nguyễn Xuân Lộc cho biết, đất nền ảm đạm do chịu ảnh hưởng chung của tâm lý bi quan bao trùm toàn thị trường bất động sản. Tuy nhiên chỉ có những nền đất chậm tiến độ bàn giao mới bị rớt giá mạnh. Tỷ lệ giảm giá trung bình là 40% so với cách đây 3-4 năm.
Theo ông Lộc, hầu hết các trường hợp nhà đầu tư lỗ bạc tỷ vì ôm đất nền đều rơi vào những dự án đình trệ, hụt vốn. Khách hàng vì mất kiên nhẫn hoặc cần tiền mặt nên buộc lòng phải đẩy hàng đi. Gặp lúc thị trường khó khăn, chỉ những sản phẩm hạ giá mới có giao dịch thành công. Những dự án đất nền đã bàn giao, cấp sổ đỏ, có thể xây nhà ngay thường ít bị rớt giá hơn.
"Cuộc chơi của đất nền trong thời điểm này không còn chỗ cho nhà đầu tư nữa. Hầu như các đối tượng này đều đã tháo chạy khỏi thị trường. Số còn bám trụ là người có nhu cầu giữ lại nền đất để xây nhà. Vì vậy, lượng hàng bán ra vẫn có xu hướng giảm giá là chính", ông nói.
Vũ Lê - Ngọc Tuyên