Quân đội Israel ngày 12/12 công bố video thử nghiệm xe chiến đấu bộ binh Namer phiên bản nâng cấp với cụm ống phóng tên lửa chống tăng kiểu mới và pháo 30 mm điều khiển từ xa, được thiết kế chuyên cho hoạt động tác chiến đô thị, Popular Mechanic đưa tin.
Trên mẫu thiết giáp phiên bản mới này, cụm tên lửa chống tăng dẫn đường Spike-MR được đặt ẩn trong tháp pháo và nâng lên trước khi khai hỏa. Nhờ tính năng tự dẫn đường của tên lửa Spike-MR, thiết giáp Namer có thể tấn công cùng lúc hai xe tăng địch.
Sau khi khai hỏa tên lửa, xạ thủ có thể thu cụm ống phóng vào bên trong xe để nạp đạn mới, thay vì phải ra bên ngoài như nhiều mẫu xe chiến đấu khác. Tính năng này giúp tăng hiệu suất chống tăng của xe, vừa đảm bảo an toàn cho xạ thủ trong tác chiến.
Pháo 30 mm trên mẫu thiết giáp này cũng có thể tiêu diệt mục tiêu ẩn nấp trong các tòa nhà hoặc thiết giáp hạng nhẹ của đối phương. Pháo này được điều khiển từ xa, giúp tăng cơ hội sống sót cho kíp lái khi tháp pháo của xe bị trúng hỏa lực đối phương.
Israel phát triển xe chiến đấu bộ binh Namer từ thập niên 2000 để đối phó với môi trường chiến đấu có mật độ vũ khí chống tăng dày đặc. Namer được chế tạo trên khung thân tăng chủ lực Merkava, trang bị lớp giáp dày để tăng khả năng bảo vệ cho 12 binh sĩ bên trong, bao gồm kíp lái hai người.
Phiên bản Namer đầu tiên không có tháp pháo, có hệ thống hỏa lực hạng nhẹ điều khiển từ xa gồm súng máy và súng phóng lựu để tự vệ, chủ yếu dùng để đưa binh sĩ vào trận tuyến. Các biến thể thiết giáp Namer đều có hệ thống phòng thủ chủ động Trophy để đối phó với các loại tên lửa chống tăng.
Namer có trọng lượng 60 tấn, nặng hơn nhiều loại xe chiến đấu bộ binh hiện có trên thế giới như M2 Bradley (32 tấn) của Mỹ, T-15 Armata (48 tấn) và BMPT Terminator (48 tấn) của Nga. Quân đội Mỹ đang cân nhắc việc thay thế một số thiết giáp M2 Bradley bằng phiên bản Namer có tháp pháo và tên lửa chống tăng của Israel.
Nguyễn Tiến